Hình ảnh cây sâm ngọc linh. |
Việt Nam sở hữu loài sâm tốt nhất thế giới
Việt Nam hiện có một số loài sâm như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu… Trong đó, sâm Ngọc Linh được nhận định là loài sâm quý hiếm, chỉ có ở Việt Nam, là một trong bốn loài sâm tốt nhất thế giới.
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), Việt Nam hiện có 3.055ha diện tích trồng sâm, trong đó diện tích sâm Ngọc Linh là 3.000ha; 55ha sâm Lai Châu. Sâm được trồng chủ yếu dưới tán rừng (3.050ha), sản lượng hiện tại khoảng vài tấn/năm. Diện tích sâm trồng trong nhà lưới, nhà màng chiến diện tích nhỏ (5ha tại tỉnh Lai Châu), chưa có sản lượng do đều là sâm mới trồng.
Ngoài ra, một vài địa phương khác đang trồng thí điểm nhưng quy mô nhỏ, không đáng kể.
So sánh với Hàn Quốc, Trung Quốc – hai “cường quốc” sản xuất sâm, Việt Nam mới chỉ có con số rất khiêm tốn.
Hàn Quốc hiện có 15.000ha trồng sâm, năng suất đạt 6 tấn/ha. Tổng sản lượng sâm nước này thu hoạch từ 22.000 – 23.000 tấn/năm, chiếm 27% sản lượng toàn cầu, mang lại nguồn thu 2,5 tỷ USD/năm.
Trong khi đó, Trung Quốc có diện tích trồng sâm rất lớn tại khu vực Đông Bắc (gồm Cát Lâm, Liêu Ninh, Hắc Long Giang), sản lượng đạt 44.000 tấn/năm, doanh thu 2,8 tỷ USD/năm.
Cả hai quốc gia này đều đã đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ sâm, gồm đồ uống, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm.
Từ kinh nghiệm quốc tế trong canh tác vùng trồng cho thấy, cả hai quốc gia Hàn Quốc, Trung Quốc đều đang theo xu thế đưa cây sâm xuống núi, hạ độ cao vùng trồng để có thể kiểm soát được năng suất, sản lượng và chất lượng của sản phẩm.
Tại Hàn Quốc, sâm trồng trên cánh đồng cho sản lượng 6 tấn/ha, dễ canh tác, kiểm soát chất lượng và có thể thâm canh. Hàn Quốc đã nâng tầm lên thành một ngành công nghiệp chế biến sâm với việc phát triển nhiều cơ sở chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng đối tượng tiêu dùng. Sản phẩm chế biến từ sâm được Hàn Quốc đưa vào nhiều kênh tiêu thụ (nhà vườn, chợ sâm, siêu thị, trung tâm thương mại…) và đã xuất khẩu sang được 90 quốc gia trên thế giới.
So sánh và nhìn vào thực trạng mới thấy sự yếu kém, non trẻ của ngành sâm Việt Nam. Về vùng trồng, chúng ta diện tích ít, chủ yếu trồng dưới tán rừng, sản lượng hạn chế. Về thương hiệu, kiểm soát chất lượng, chúng ta chưa có thương hiệu, chưa kiểm soát được chất lượng, chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp nổi tiếng. Về quảng bá – truyền thông, hạn chế, chưa đa dạng hình thức, chưa kết hợp được yếu tố văn hóa, truyền thống; các công trình khoa học, nghiên cứu dàn trải, nguồn lực phân tán…
Cách nào định hình thương hiệu cho sâm Việt Nam?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở hướng phát triển của ngành sâm Việt Nam. |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng để chương trình phát triển sâm hiệu quả, bền vững hơn, chúng ta phải thay đổi tư duy, tiếp cận cây sâm theo chuỗi ngành hàng.
"Chúng ta thường chỉ nghĩ đến sâm là một sản phẩm đơn thuần. Nhưng không phải. Sâm phải tích hợp giá trị to lớn của một ngành hàng. Từ sâm có thể chế biến ra nhiều sản phẩm từ thực phẩm đến mỹ phẩm... Chúng ta phải chuyển từ giá trị nông nghiệp sang giá trị công nghiệp.
Chúng ta phải đa dạng hóa chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để từ một sản phẩm nhiều tiền thành các sản phẩm giá rẻ nhiều người ai cũng có thể mua được, dùng được" - ông Hoan nói.
Nhìn từ Hàn Quốc, ông Hoan đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, người dân phải có tinh thần dân tộc, phải cùng nhau xây dựng sản phẩm, thương hiệu quốc gia mang biểu tượng của đất nước.
"Trước tiên, chúng ta phải thống nhất gọi tên sản phẩm, thương hiệu là sâm Việt Nam. Sau đó mới truy xuất nguồn gốc về sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu... đưa ra thị trường để khách hàng lựa chọn mua, tiêu dùng" - ông Hoan nói.
Nêu quan điểm về giải pháp phát triển sâm Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Minh dẫn câu chuyện về thị trường sâm Hàn Quốc.
“Chúng ta học được bài học gì từ Sâm Hàn Quốc?” - ông Thái đặt câu hỏi, đồng thời cho biết đó là bài học về thâm canh, năng suất cao, bởi nếu không có năng suất cao thì mãi mãi chỉ là quý và không đại trà, ít người dùng được. Bài học thứ hai là dù Hàn Quốc có 6 giống sâm khác nhau nhưng họ chỉ có một thương hiệu duy nhất.
“Nhiều doanh nghiệp rất trăn trở, đó là chúng ta có hai loại sâm khác nhau, khi nghiên cứu thì đơn vị làm sâm Ngọc Linh sẽ tập trung nghiên cứu sâm Ngọc Linh, đơn vị làm sâm Lai Châu sẽ tập trung nghiên cứu sâm Lai Châu. Nếu chúng ta không thống nhất thì vài năm nữa chúng ta sẽ tốn rất nhiều tiền vào trong các nghiên cứu này nhưng lại không tận dụng được kết quả nghiên cứu của nhau” - ông Thái chia sẻ đồng thời nhấn mạnh đó là sự lãng phí nguồn lực.
Về xây dựng thương hiệu cho sâm Việt, Ông Ngô Tấn Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu, cho biết Quyết định 611 của Thủ tướng về chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 có nói đến tên Sâm Việt Nam, tuy nhiên các tài liệu quy định chưa thống nhất.
Do vậy ông đề xuất Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng một tên chung là Sâm Việt Nam.
“Chúng tôi cũng đề xuất báo chí từ nay chỉ gọi một tên là Sâm Việt Nam để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng, như vậy mới tạo thương hiệu quốc tế về Sâm Việt Nam. Nước ngoài khi làm việc với chúng tôi họ thắc mắc sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu có phải hai loại hoàn toàn khác nhau không, và đâu là sâm Việt Nam chính thống? Nếu không rõ chỗ này thì truyền thông thế nào để thương hiệu Sâm Việt Nam đi lên” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu bày tỏ.