Cây tỏi đỏ là một loài cỏ sống lâu năm, được dùng phổ biến để chữa các bệnh ngoài da, đau nhức xương khớp hay viêm phế quản,... Ngoài tên gọi tỏi đỏ, người dân còn thường gọi nó bằng tỏi Lào, sâm đại hành, hành đỏ hoặc hành lào.
Tỏi đỏ thường mọc hoang ở nhiều nơi hoặc được trồng lấy củ (dò) để làm thuốc ở Nghệ An, Hà Tây, Quảng Nam, Hoà Bình, Hà Tĩnh,... Việc trồng tỏi đỏ khá đơn giản, chỉ cần vùi củ xuống đất và chăm sóc như trồng tỏi, hàng thông thường. Vì thế, các hộ gia đình cũng có thể trồng tại nhà.
Dựa theo nghiên cứu về thành phần hoá học của cây tỏi đỏ Eỉeutherine bulbosa Mill đã xác định 4 chất có trong cây bao gồm: izoeleutherin với độ chảy 177°, eieutherin độ chảy 175°, eleutherola độ chảy 202°-203° và một chất khác chưa xác định. Cả 3 hoạt chất này đều có tác dụng kháng sinh đối với chủng Staphylỉococ-cus aurcus.
Trong Đông y phần vỏ màu nâu đỏ đậm được dùng làm thuốc, có vị đắng, mùi hơi hắc, tính bình. Tác dụng gồm: kháng khuẩn, tiêu viêm, hành huyết, tiêu độc, chủ trị viêm họng, viêm phổi, viêm amidan, mụn nhọt sưng tấy, phong tê thấp.
Trên thế giới có rất nhiều nước cũng dùng tỏi đỏ làm thuốc. Chẳng hạn như tại Indonesia, tỏi đỏ được dùng làm thuốc lợi tiểu, trị lỵ, viêm và sa trực tràng. Còn tại Philippines, người dân dùng rễ củ giã nát đắp lên vết cắn của cá độc, sâu bọ, vết thương, nhọt. Rễ củ tỏi đỏ nướng, giã nát, xát vào bụng chữa đau bụng. Tại Peru, thổ dân vùng Amazon còn dùng tỏi đỏ trị bệnh rối loạn tiêu hoá và bệnh ngoài da.
Các nghiên cứu của khoa học hiện đại đã tìm thấy dịch chiết toàn phần của củ tỏi đỏ trong phòng thí nghiệm có tác dụng ức chế rõ rệt đối với phế cầu khuẩn, liên cầu tan máu, tụ cầu vàng, có tác dụng chống viêm cấp tính và mạn tính, không gây biểu hiện độc tính.
Tỏi đỏ có tác dụng làm tăng hồng cầu và huyết sắc tố ở chuột cống trắng; có tác dụng an thần, làm giảm hoạt động tự nhiên của chuột nhắt trắng, làm giảm sự khéo léo, nhanh nhẹn của chuột nhắt trắng.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, tỏi đỏ được dùng làm thuốc bổ máu, chữa thiếu máu, vàng da, xanh xao, hoa mắt, choáng váng, nhức đầu, mệt mỏi. Thuốc cầm máu dùng trong băng huyết, ho ra máu, bị thương chảy máu (dùng củ tươi, giã đắp). Ngoài ra, tỏi đỏ còn được dùng chữa ho gà, viêm họng, mụn nhọt, chốc lở; ngày dùng 4 - 12g, dạng thuốc sắc.
Những bài thuốc từ cây tỏi đỏ
Bài thuốc trị kén ăn, đau lưng, nhức mỏi gối, mệt mỏi: đảng sâm 20g, sâm đại hành 20g, sanh địa 20g, đương quy 20g, đổ trọng 10g, nhục quế 5g, hoàng kỳ 20g, câu kỷ tử 15g, lộc nhung 15g, đại táo 10 quả, bạch truật 10g, đại hồi 5g. Ngâm với 2 lít rượu 40 độ. Mỗi lần uống 1 ly khoảng 30-50 ml.
Bài thuốc chữa vết thương do ngã, va vấp gây tổn thương, trầy xước, bầm dập, ung nhọt, chảy máu, làm độc: Giã nhuyễn củ sâm đại hành tươi bó hoặc đắp lên vùng bị thương sẽ rất mau lành.
Giúp trẻ nhỏ để điều trị viêm phế quản, chốc đầu, mụn nhọt: dùng dưới dạng sắc nước uống bao gồm sâm khô 10-12g (đối với trẻ em chỉ cần dùng 5-6g) sắc ra 400ml nước. Khi nước sắc còn khoảng 150ml nước, chia làm hai lần uống trong ngày trước các bữa chính khoảng 15 phút.
Thông thường, tỏi đỏ được dùng ngâm rượu uống được xem như 1 loại thuốc bổ có thể trị xanh xao do thiếu máu. Bên cạnh đó, ta có thể nấu thành cao đặc rồi vo viên uống nhằm chữa các bệnh ngoài da như chữa chốc, chàm và sát trùng. Bên ngoài vết thương có thể dùng thuốc mỡ sâm đại hành 10% hoặc cồn sâm đại hành 20% để bôi.
Sau khi phơi khô sâm đại hành, sao qua rồi đem hãm nước uống có công dụng làm thuốc an thần và gây ngủ hiệu quả.
Ngoài ra, bột của nó còn có tác dụng cầm máu hay kết hợp với rẻ quạt làm thuốc uống trị ho và viêm họng.