Cây lu lu đực mọc hoang tại nhiều nơi đặc biệt là vùng miền núi Tây Bắc |
Cây lu lu đực còn có nhiều tên gọi khác nhau như cây thù lù đực, cây gia cầu, cây cà đen, cây long quỳ. Loại cây này mọc hoang tại nhiều nơi đặc biệt là vùng miền núi Tây Bắc. Cây thuộc loại thân thảo cao khoảng 30 - 100cm, phần lá bầu ở thân và nhọn dần về phía cuối, quả nang tròn có màu xanh lục và chuyển thành màu đen khi chín hẳn.
Cây lu lu đực có tính hàn, vị đắng, hơi ngọt ở hậu và có hơi độc. Độc tố trong cây lu lu đực khá ít nhưng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nên người dùng phải luộc qua nước sôi để tiêu hủy chất độc bên trong.
Người dân thường dùng toàn bộ câu lu lu đực tươi hoặc phơi sấy khô để làm thuốc thanh nhiệt, tiêu viêm. Cây lu lu đực còn được dùng để chữa một số chứng bệnh như gan to, vảy nến, phù thũng, viêm da cơ địa, bỏng, trĩ nội, trĩ ngoại,...
Người dân có thể dễ dàng nhìn thấy cây lu lu đực mọc dại tại các vùng nông thôn, đất trống, tại các vườn hoặc bên vệ đường. Tuy mọc dại nhưng đây là một loại rau sạch và cũng là món khoái khẩu của nhiều người bởi vị đắng nhẹ đầu lưỡi đặc trưng rất đưa miệng.
Dạo gần đây, loại rau này đã được nhiều nông dân trồng và đem rao bán với giá khoảng 30.000 đồng/kg. Cây lu lu đực ngon nhất tại phần ngọn non mới nhú được dùng để xào tỏi, nấu canh hoặc nhúng ăn lẩu nên được nhiều người tiêu dùng đặt mua để thưởng thức. Tuy nhiên, trước khi chế biến món ăn thì bạn nên sơ chế và nấu chín kỹ rau lu lu đực để giảm lượng độc tố trong cây nhé.
Một số bài thuốc từ lu lu đực
Chữa viêm phế quản cấp, viêm họng: Lu lu đực 30g, cát cánh 10g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Chữa tiểu tiện không thông, phù thũng, gan to: Lu lu đực 40g, mộc thông 20g, rau mùi 20g. Sắc uống. Có thể dùng toàn cây rửa sạch, giã nát, ép lấy nước uống; hoặc ngọn non 50g - 100g luộc ăn trong ngày.
Chữa sốt: Bột rễ lu lu đực 100g, bột rễ ké hoa vàng 100g, hạt tiêu đen 2,5g. Làm thuốc bột. Mỗi lần uống 3 - 5g
Chữa bệnh ngoài da (mẩn ngứa, lở loét, bỏng, vảy nến): Ngọn non hoặc lá, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước bôi. Hoặc dùng toàn cây, nấu lấy nước, cô thành cao mềm (cao Long quỳ) để bôi chữa vảy nến hay trĩ.
Chữa vết thương do va đập bị dập, sưng tấy, ứ máu, đau nhức: Giã nát 80 - 100g cây tươi, thêm ít giấm, ép lấy nước nước để uống, bã đắp chỗ đau.
Lưu ý khi sử dụng cây lu lu đực
Bên cạnh việc biết được thù lù có tác dụng gì thì những lưu ý khi sử dụng cây thù lù đực cũng rất quan trọng. Những nghiên cứu mới đây đều không đề cập đến độc tính của cây thù lù đực. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng cây lu lu đực làm rau ăn và làm thuốc bạn cần lưu ý một số điểm sau:
Do cây thù lù đực có độc, đặc biệt là trong quả xanh, vì vậy không nên ăn sống thường xuyên loại cây này. Khi sử dụng làm rau ăn cần được nấu chín, loại bỏ phần quả xanh khi sử dụng. Vì theo các nghiên cứu cho thấy trong quả xanh chứa nhiều độc tố hơn so với thân lá. Khi nấu chín, độc tố ở cây cũng giảm bớt.
Cây thù lù đực không nên dùng cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ nhỏ.