Giá cà phê tiếp tục lập đỉnh mới
Thị trường cà phê thế giới tuần này tiếp tục diễn biến bất ngờ với những đợt điều chỉnh tăng liên tiếp.
Theo đó, cà phê rubusta kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 trên sàn London ghi nhận mức tăng 263 USD/tấn trong tuần, lên mức 3.744 USD/tấn; cà phê arabica kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 trên sàn New York có chọn 5 phiên tăng giá trong tuần với tổng mức tăng 566 USD/tấn và chốt phiên cuối tuần ở mức 4.680 USD/tấn.
Giá cà phê tục lập đỉnh mới |
Tác động từ thị trường thế giới đã kéo giá cà phê trong nước cũng tăng bình quân khoảng 5.000 đồng/kg và hiện đã ở mức trên 103.000 đồng/kg.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong lịch sử chưa bao giờ giá cà phê tăng như vậy và giá mặt hàng này giờ đã vượt ngoài mọi dự đoán.
Lý giải về nguyên nhân giá cà phê tăng phi mã, Chủ tịch Vicofa cho rằng, do nhiều lý do tác động nhưng có 3 lý do chính.
Thứ nhất, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu. Có thể vụ vừa qua, cà phê không bị mất mùa nhiều nhưng các nhà mua hàng lo lắng cho những vụ cà phê tới. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023 - 2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), sản lượng hụt mất khoảng 10%.
Thứ hai, các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, căng thẳng trên Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, đẩy giá cà phê lên cao.
Thứ ba, hiện nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ cũng khiến giá cà phê tăng nóng.
Còn theo phân tích từ các chuyên gia, việc tăng giá cà phê tuần này cho thấy do nhu cầu cao từ các nhà rang xay châu Âu trong khi nguồn cung không đáp ứng đủ.
Mặc dù giá tăng cao nhưng do năm ngoái vào khoảng tháng 6 đã hết sạch cà phê, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung kéo dài đến tận hiện tại. Còn ở hiện tại, mùa vụ lại đang bị ảnh hưởng bởi khô hạn và nắng nóng nên dự báo sản lượng giảm khoảng 20%. Trong khi đó, Việt Nam đang là nguồn cung cà phê lớn thứ 2 của thế giới, đồng thời mặt hàng này cũng là sản phẩm thiết yếu chỉ đứng sau lương thực ở nhiều quốc gia, nhất là tại Châu Âu.
Một điểm đáng chú ý trong tuần này là, giá cà phê tăng quá nhanh cũng gây nên một số bất ổn ở thị trường nội địa khi một số người đang nắm giữ cà phê đã ngưng bán ra để tiếp tục chờ giá, thị trường giao dịch chậm.
Xu hướng giá cà phê sắp tới khó dự đoán sẽ tác động tới thị trường ra sao?
Nhiều chuyên gia nhận định, giá cà phê Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến tháng 5/2024, trước khi Indonesia vào vụ mới. Có thể cà phê nhân Việt Nam sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024. Hiện, Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới cả về sản lượng xuất khẩu và chất lượng cà phê robusta.
Mặt khác, Việt Nam đã kết thúc vụ thu hoạch và phải đợi tới tháng 10/2024 mới vào vụ thu hoạch tiếp theo. Ngoài ra, nắng nóng khô hạn cũng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của vụ cà phê sắp tới. Do vậy, giá cà phê đã liên tục phá cột mốc 80.000 đồng/kg, 90.000 đồng/kg và hơn 100.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Vicofa, xu hướng giá cà phê sắp tới rất khó dự đoán, cũng như trước đây, không có chuyên gia cà phê nào có thể dự đoán giá cà phê trong nước có thể lên đến hơn 100.000 đồng/kg như hiện nay. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là giá cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Đánh giá về tình hình cung cầu cà phê trên toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, thế giới sẽ không thiếu hay gặp khó khăn đối với nguồn cung cà phê Arabica nhưng sẽ có khó khăn với cà phê robusta.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, khi Ấn Độ, Brazil vào mùa vụ, thị trường sẽ điều chỉnh lại giá ở mức phù hợp, khi đó giá cà phê ở Việt Nam không thể tiếp tục giữ ở mức cao. Thực tế hiện nay, một số nhà chế biến cà phê đã chuyển sang nhập cà phê nguyên liệu ở Brazil và Ấn Độ, bởi giá cà phê các nước này thấp hơn ở Việt Nam. Như vậy, cả người trồng và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đều gặp bất lợi khi thị trường ổn định trở lại.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh đánh giá: “Dù phần lớn người mua cà phê trên toàn thế giới thích cà phê Robusta của Việt Nam hơn cà phê robusta conilon của Brazil nhưng với tình hình giá cao mua khó như hiện nay, các DN rang xay cà phê lớn trên thế giới đã chuyển đổi một phần qua Brazil”.
Điều này cũng đã được Vicofa cảnh báo. Theo Chủ tịch Vicofa Nguyễn Nam Hải, khi khách hàng các nước đã quen với hương vị cà phê Robusta của Việt Nam thì việc thay thế sang nguồn hàng khác không phải dễ. Tuy nhiên, nếu giá cà phê duy trì mức cao trong thời gian dài, khách hàng buộc phải thay thế nguồn cung từ Brazil hay Indonesia.
"Giá cà phê cao có lợi cho người trồng nhưng khi cao quá so với sức mua thì lại gây bất lợi cho cà phê Việt Nam. Dự báo ít nhất từ nay đến tháng 5/2024, giá cà phê vẫn chưa hạ xuống do lượng hàng từ Brazil và Indonesia chưa thể bù đắp", ông Nguyễn Nam Hải dự báo.