xuất khẩu thủy sản năm 2022 cán đích 11 tỷ USD. |
Nhìn lại năm 2022, hãy cùng điểm lại 5 sự kiện nổi bật nhất của ngành thủy sản trong năm qua.
Xuất khẩu thủy sản ghi nhận nhiều kỷ lục trong năm 2022
Ngày 10/12/2022, Hiệp hội VASEP và các doanh nghiệp thủy sản đã tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD với niềm tự hào về kết quả thành công của một chặng đường chinh phục thị trường thế giới hơn 20 năm qua.
Có thể nói năm 2022 là một năm nhiều kỷ lục của ngành thủy sản. Xuất khẩu thủy sản đạt kỷ lục 11 tỷ USD, trong đó ngành tôm kỷ lục với doanh số 4,3 tỷ USD. Xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD, mức cao kỷ lục và tăng trưởng hàng năm kỷ lục 70%. Cá ngừ cũng lần đầu tiên trở thành ngành hàng giá trị tỷ USD với doanh thu 1 tỷ USD. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 11 tỷ USD đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới.
Không chỉ kỷ lục của các ngành hàng mà thủy sản xuất khẩu còn ghi nhận kỷ lục tại hầu hết các thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ về đích với 2,1 tỷ USD.
Thị trường Trung Quốc và Hongkong cũng lần đầu tiên chạm mốc 1,8 tỷ USD về giá trị thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, với mức tăng trưởng 55%. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam.
EU thanh tra ngành khai thác thủy sản về chống khai thác IUU
Cuối tháng 10/2022, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã sang Việt Nam thanh tra tình hình chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) lần thứ 3. EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm chính trị, nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU; đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt ở cấp Trung ương.
Tuy nhiên EC vẫn chỉ ra những tồn tại, hạn chế nên phía EC chưa gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, và đưa ra 4 nhóm khuyến nghị để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, khắc phục trong thời gian tới.
Trong ngày đầu tiên của tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Hội nghị với 28 tỉnh, thành phố ven biển về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng Chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng IUU. Trong đó, kế hoạch phải nêu rõ, cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh, thành phố, huyện, xã và từng người dân; kế hoạch phải lượng hóa để mọi cơ quan, người dân dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá.
Trung Quốc nới lỏng kiểm dịch Covid-19
Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc dỡ bỏ quy định xét nghiệm axit nucleic và kiểm dịch tập trung đối với tất cả khách du lịch trong nước, đồng thời các biện pháp kiểm soát số lượng chuyến bay chở khách quốc tế sẽ được dỡ bỏ, cùng nhiều biện pháp khác.
Việc Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu như xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch sẽ giải tỏa một ách tắc lớn, mở rộng cửa hơn cho xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới này.
Sức tiêu thụ của một đất nước 1,5 tỷ dân sẽ không thể được đáp ứng kịp bằng nguồn cung trong nước đã bị gián đoạn và hạn chế trong mấy năm qua vì chính sách zero – Covid. Đó sẽ là cơ hội và lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Thủy sản nhập khẩu được miễn kiểm dịch
Ngày 28/7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Theo đó, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu được miễn kiểm dịch.
Sau 7 năm, qua nhiều cuộc họp và công văn kiến nghị của VASEP và các doanh nghiệp thuỷ sản về việc đề xuất bỏ quy định kiểm dịch đối với thuỷ sản nhập khẩu để gia công và sản xuất xuất khẩu, sự nỗ lực đó đã được Cục Thú y, Bộ NN&PTNT tiếp thu tích cực bằng Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT.
Thông tư 06/2022 của Bộ Nông nghiệp thực sự tháo gỡ một gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp thuỷ sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu của trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định và thiếu hụt theo mùa vụ, trong khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường thế giới gia tăng.
Chính phủ ban hành một loạt quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển ngành thủy sản tới năm 2030
Từ tháng 4/2022, Chính phủ đã ban hành một loạt quyết định liên quan đến kế hoạch phát triển ngành thủy sản tới năm 2030 như Quyết định 523/QĐ-TTg ban hành ngày 27/4/2022, Quyết định 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022, Quyết định 911/QĐ-TTg 2022 ngày 29/7/2022, Quyết định 985/QĐ-TTg 2022 ngày 16/8/2022, Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022.