Xe chở sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. |
Trước ngày 8/1/2023, ngoài việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng, các nhà máy còn phải khử trùng kỹ lưỡng từng lô hàng. Điều này vừa mất thời gian và làm gia tăng chi phí. Do đó, các nhà máy rất phấn khởi khi Trung Quốc dỡ bỏ quy định này.
Việc Trung Quốc dỡ bỏ quy định test Covid-19, tạo điều kiện thông quan thuận lợi, chính là cơ hội vàng để hàng hóa nước ta dễ dàng đi vào thị trường này. Ngay trong những ngày đầu năm mới, nhiều đơn hàng xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc đã được triển khai.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, cho biết: "Thiết kế những chương trình hành động cụ thể từ khâu đầu đến khâu cuối, đồng thời sẽ thiết lập một không gian quảng bá sản phẩm nông sản Việt Nam tại Sơn Đông, Trung Quốc".
Trung Quốc có khoảng 1,4 tỷ dân, mỗi năm nhập khẩu gần 10 tỷ USD nông sản từ Việt Nam. Với khoảng cách địa lý gần, người tiêu dùng rất quen thuộc với hàng hóa nước ta. Đặc biệt, với động thái mở cửa tích cực nói trên, nhiều khả năng, xuất khẩu nông sản Việt vào thị trường tỷ dân này sẽ bùng nổ trong năm 2023.
Nông sản Việt hút hàng tăng giá
Các mặt hàng như gạo, trái cây, tôm, cá… được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại sau khi Trung Quốc mở cửa. Tại Bình Thuận, thủ phủ thanh long của VN mấy ngày gần đây nhiều vựa thu mua báo giá thanh long ruột trắng thấp nhất 16.000 đồng/kg, hàng loại 1 lên đến 21.000 đồng/kg.
Sầu riêng sẽ là nông sản xuất khẩu mang lại kim ngạch lớn khi Trung Quốc mở cửa. |
Bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty Trà Thanh Long (TP.HCM), chia sẻ với báo chí rằng: “Hiện nay thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đang hút hàng. Từ lúc Trung Quốc mở cửa khẩu, dỡ bỏ các rào cản kiểm dịch, công ty tôi đã chuyển toàn bộ hàng hóa đường biển sang đường bộ để rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường. Tình hình chung của các doanh nghiệp trái cây là khá phấn khởi và nhộn nhịp. Nếu như cùng thời điểm này năm trước thanh long rớt giá thê thảm còn 1.000 - 2.000 đồng/kg thì hiện nay đã tăng lên trên 30.000 đồng/kg nhưng cũng không có hàng để thu mua”.
Khu vực ĐBSCL đang vào chính vụ thu hoạch nhiều loại trái cây. Mặt hàng “sốt giá” nhiều nhất phải kể đến là sầu riêng, một sản phẩm đang được tiêu thụ và tăng trưởng mạnh tại thị trường Trung Quốc.
Ông Lê Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH thương mại nông sản Thiện Tâm (Tiền Giang), thông tin: Thời gian gần đây giá sầu riêng xuất khẩu (có mã số vùng trồng) liên tục tăng. Hồi cuối tháng 12.2022, giá sầu riêng loại một thu mua tại vườn khoảng 80.000 đồng/kg (tăng 20.000 - 25.000 đồng/kg so với mùa trước). Sau khi có thông tin Trung Quốc mở cửa thị trường đã tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg.
“Trước cơn sốt giá này chúng tôi phải tạm ngưng nhập hàng vì có thể đối diện với nguy cơ thua lỗ nếu “đụng” phải hàng đông lạnh từ Thái Lan. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ thu mua ở những vùng trồng được cấp mã số theo quy định”, ông Tâm nói.
Tôm cũng là một trong những mặt hàng được tiêu thụ mạnh vào dịp năm mới ở Trung Quốc. Đối với mặt hàng tôm hùm, bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn, chia sẻ: Giá tôm hùm tại các vùng nuôi hiện vẫn chưa tăng cao, tuy nhiên các hợp đồng chính ngạch đã ký với khách hàng Trung Quốc thì bắt đầu được công ty triển khai. Bên cạnh đó, công ty còn ký được hợp đồng xuất khẩu cua Cà Mau và đã giao lô hàng chính ngạch đầu tiên để khách hàng đánh giá.
Cửa khẩu hoạt động xuyên tết
Văn phòng Cửa khẩu Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) thông báo sẽ duy trì thông quan trong dịp Tết Nguyên đán 2023 nhằm đảm bảo cho hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng được duy trì thông suốt, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai bên. Từ ngày 21 - 27/1 (tức ngày 30 tết đến mùng 6 Tết Nguyên đán năm 2023), tất cả cửa khẩu biên giới trên địa bàn Quảng Tây thực hiện thông quan hẹn trước.