Bưởi Việt Nam có mặt ở thị trường Chile Bến Tre sắp xuất khẩu lô bưởi da xanh đầu tiên sang Hoa Kỳ Nông dân chia sẻ bí quyết xuất khẩu bưởi sang Mỹ nâng tầm trái bưởi da xanh |
Xuất khẩu bưởi 8 tháng đầu năm tăng 144% |
Số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy ngoài sầu riêng, năm nay bưởi cũng là loại quả có kim ngạch xuất khẩu tăng cao. 8 tháng, xuất khẩu bưởi đạt 29,6 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ 2022, tăng mạnh nhất trong 5 năm qua.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả, cho biết trước đây bưởi Việt chỉ xuất sang EU hoặc Trung Đông nhưng từ cuối 2022 đến nay, nhờ ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ, New Zealand nên xuất khẩu tăng trưởng đột biến. Ngoài ra, chất lượng bưởi da xanh của Việt Nam ngày càng nâng cao nên được nhiều quốc gia ưa chuộng.
Ông Nguyên cho biết thêm, trái bưởi của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ chủ yếu đi vào phân khúc người tiêu dùng châu Á, đặc biệt là người Việt đang sống ở Hoa Kỳ, còn đối với người dân Mỹ họ đã quen dùng bưởi nội địa hoặc bưởi Nam Mỹ, nên tiêu thụ bưởi ở thị trường Hoa Kỳ sẽ không cao, tương tự như trái xoài xuất khẩu vào thị trường này.
“Bưởi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vẫn tiêu thụ được, nhưng không bùng nổ, vì chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ cao nên giá bán sẽ hơn so với các nước trong khu vực Nam Mỹ và bưởi trồng tại Mỹ. Dù vậy, được cấp phép xuất khẩu chính ngạch là tốt rồi, còn chiến lược kinh doanh và tiếp cận thị trường các doanh nghiệp sẽ tự quyết định", ông Nguyên nói.
Bà Ngô Tường Vy - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu) cho biết, ba năm trước khi xuất khẩu lô bưởi da xanh sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp đã đi khảo sát thị trường bưởi ở Hoa Kỳ và nhận thấy thị trường này nhập khẩu rất nhiều loại bưởi của các nước chứ không riêng gì trái bưởi Việt Nam. Đặc biệt, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của bưởi da xanh Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ là bưởi Trung Quốc, vì có giá bán rất rẻ và mẫu mã rất đẹp. Bên cạnh đó, bưởi của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt về giá cả với bưởi trồng tại Mỹ, các nước khu vực Nam Mỹ và Mexico… những nước đang xuất khẩu bưởi vào thị trường Hoa Kỳ.
Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trái bưởi Việt Nam gặp bất lợi về logistics, nhưng về bảo quản thì hiện đang khá ổn so với các loại quả tươi khác nên có thể đi bằng đường tàu, đó cũng là một trong những lợi thế của trái bưởi so với các sản phẩm khác đang xuất sang thị trường Mỹ.
Tuy nhiên so với các nước đang xuất khẩu bưởi vào thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là Trung Quốc thì giá thành bưởi Việt Nam cao rất nhiều vì Trung Quốc trồng công nghiệp với số lượng lớn và thời gian bảo quản bưởi của họ từ 4 đến 6 tháng. Đó là những thử thách rất lớn của trái bưởi Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T - đơn vị chiếm 60% thị phần rau quả xuất khẩu sang Mỹ - cho hay bưởi Việt mới đặt chân vào thị trường Mỹ, New Zealand và đang phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh từ Trung Quốc, Mexico nhưng không hề lép vế.
Tại Mỹ, bưởi Việt có đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc. Hàng nước này có giá bán chỉ 2 USD (49.000 đồng) một kg, mẫu mã rất đẹp, trong khi hàng Việt giá 9 USD (220.000 đồng) một kg, tức cao gấp 4,5 lần. Do đó, thời gian đầu, khi hàng Việt vào thị trường Mỹ, đối tác nhập khẩu không quan tâm. Tuy nhiên, sau một thời gian được người tiêu dùng tiếp nhận, họ đã và đang đặt số lượng mua tăng cao so với đợt đầu.
"Đây là năm đầu tiên công ty tôi xuất bưởi vào Mỹ nhưng sản lượng tăng nhanh theo từng quý. Nếu 3 tháng đầu năm xuất 4 container 40 feet một tháng, nay đã xuất 16 container mỗi tháng", ông Tùng chia sẻ.
Song, xét về chất lượng và độ ngon thì bưởi của Việt Nam chính là một điểm sáng, vì vậy các doanh nghiệp cần phải lưu ý để chọn ra những giống bưởi cho chất lượng ngon và cần phải đảm bảo giữ vững chất lượng, có như vậy mới giữ vững thương hiệu bưởi Việt Nam.
“Người tiêu dùng Hoa Kỳ rất thực dụng họ không quan tâm đến mẫu mã mà chỉ quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, họ muốn mua sản phẩm về ăn phải ngon và xứng đáng với đồng tiền họ đã bỏ ra. Bên cạnh đó cũng phải tính đến vấn đề suy thoái kinh tế, giá cả tăng cao thì người tiêu dùng Mỹ phải ăn như thế nào, sản phẩm đó mang lại được gì cho họ, ngoài việc ăn ngon thì còn phải đảm bảo vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Do vậy muốn thắng ở một thị trường thì sản phẩm của chúng ta cần phải có điểm khác biệt, và điểm khác biệt duy nhất của bưởi Việt Nam mà đặc biệt là bưởi da xanh và bưởi Năm Roi đó là chất lượng”, Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu nói.
Trái bưởi da xanh được làm sạch trước khi đóng gói xuất khẩu |
Quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ, sau xoài, nhãn, vải, thanh long, vú sữa và chôm chôm. Bên cạnh đó, một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng được xuất khẩu đến Mỹ nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh.
Hoa Kỳ có nhu cầu tiêu thụ trái cây lớn, lên tới 12 triệu tấn mỗi năm. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) phải nhập khẩu (theo USDA, 2021).
Theo quy định của Hoa Kỳ, vùng trồng và cơ sở xử lý quả bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS); quả không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Hoa Kỳ quan tâm; được xử lý chiếu xạ và được Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Theo đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm, bao gồm các loại ruồi đục quả Bactrocera dorsalis, Zeugodacus cucurbitae; sâu đục quả Prays endocarpa và các loại nấm Cylindrocarpon lichenicola, Phyllosticta citriasiana.
Đặc biệt lưu ý trong việc áp dụng các biện pháp quản lý đối với nấm Cylindrocarpon lichenicola và Phyllosticta citriasiana cần: Loại bỏ tất cả quả rụng trước khi đưa vào nhà đóng gói; phải được làm sạch, xử lý nấm và phủ sáp toàn bộ quả; loại bỏ hết lá, cuống và các bộ phận khác của cây (trừ cuống quả ngắn hơn 2,5 cm vẫn còn gắn vào quả).
Bên cạnh đó, các lô hàng bưởi tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được xử lý chiếu xạ với với liều tối thiểu là 150 Gy, kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Việt Nam có 105.400 ha trồng bưởi với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền, sản lượng gần 905.000 tấn.
Cụ thể, Đồng bằng sông Hồng có hơn 13.000 ha với sản lượng trên 175.000 tấn, Trung du miền núi phía bắc có hơn 30.000 ha với sản lượng 253.000 tấn. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32.000 ha với sản lượng khoảng 369.000 tấn (theo Cục Trồng trọt, 2022)...