Bưởi da xanh xuất khẩu sang Mỹ đòi hỏi tiêu chuẩn rất khắt khe. |
Bưởi da xanh xuất khẩu rất khắt khe
Bến Tre có diện tích trồng bưởi da xanh khoảng 9.400 hecta, sản lượng hằng năm đạt gần 90.000 tấn. Toàn tỉnh có 12 mã số vùng trồng với 170 hecta ở huyện Châu Thành. Đây cũng là địa phương đầu tiên có những trái bưởi da xanh xuất khẩu sang Mỹ.
Theo ông Võ Thanh Nhàn, thành viên của HTX Bưởi da xanh Bến Tre, cho biết bà con trồng bưởi vùng này rất phấn khởi khi trái bưởi da xanh được xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Tại xã Quới Sơn, huyện Châu Thành đã có gần 40ha bưởi da xanh của HTX Bưởi da xanh Quới Sơn được xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Nguyễn Phước Nữa, Giám đốc HTX Bưởi da xanh Quới Sơn cho biết: “Trong lô đầu tiên, HTX lựa cũng rất kỹ, hàng đẹp chuyển lên 5 tấn nhưng doanh nghiệp chỉ chọn được có 1,2 tấn, số còn lại bị trả về”.
Ông nói, khi đó chỉ 1,2 tấn bưởi được chọn thì HTX có lãi. Số còn lại bị sẹo, trái quá cỡ… bị trả về, HTX bán hoà vốn bằng với giá bưởi thông thường.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật trao đổi với ông Nguyễn Phước Nữa về tiêu chuẩn trái bưởi da xanh đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: Minh Đảm. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Bưởi da xanh Bến Tre được biết: Đây là chuyến hàng đầu tiên nên các đơn vị xuất khẩu lựa chọn hàng rất kỹ để đảm bảo khách hàng đồng thuận, đầu xuôi đuôi lọt.
Ông cũng chia sẻ thêm, Mỹ là thị trường cao cấp nên yêu cầu cao. Về mặt kỹ thuật cần phải đảm bảo về tiêu chuẩn dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, nấm bệnh… không thể có sai sót được. Về mặt này, hiện nay hầu hết bưởi trong vùng trồng đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên đã vượt qua.
Bên cạnh đó, về hình thức cũng có sự kén chọn. Về trọng lượng, các nhà xuất khẩu chỉ lựa chọn trái bưởi từ 1-1,8 kg. Với kỹ thuật canh tác hiện nay, trọng lượng bưởi của nhà nông không đồng đều, dao động từ 800g đến 2,5kg/trái. Theo tiêu chí này thì chỉ có khoảng 30-40% trái bưởi đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, trong số này còn phải loại trừ những quả bị sẹo, tỳ vết bên ngoài, ong đốt… Do đó, không chỉ riêng bưởi của thành viên HTX mà hầu hết bưởi trong vùng trồng đều có tỷ lệ đạt chuẩn xuất khẩu vào Mỹ chỉ đạt dưới 20%.
Bến Tre là tỉnh có lô bưởi da xanh đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ. |
Đồng quan điểm trên, ông Đàm Văn Hưng chủ cơ sở thu mua, xuất khẩu bưởi da xanh Hương Miền Tây (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), một đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong xuất khẩu bưởi da xanh trong và ngoài nước cũng cho rằng: Bà con nông dân mình hay nhầm lẫn giữa sản xuất theo quy trình và kỹ thuật. Sản xuất theo quy trình thì sản phẩm mới đảm bảo tính an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên về mặt kỹ thuật như: trái đồng đều, trái đẹp, ăn ngon thì có thể chưa đạt theo thị hiếu người tiêu dùng. “Không phải đã đạt GAP rồi thì đều được xuất đi hết”, ông Đàm Văn Hưng chia sẻ.
Ông cũng giải thích rằng để trái bưởi đạt chuẩn xuất khẩu thì cần phải đạt về mặt quy trình, tức là an toàn dư lượng và đạt về mặt kỹ thuật, tức là ngon, đẹp, đều.
Nâng tầm trái bưởi da xanh, mở rộng mã số vùng trồng
Cũng theo ông Đàm Văn Hưng chia sẻ, hiện nay doanh nghiệp đã có 3 mã số vùng trồng được cấp để xuất khẩu sang Mỹ. Với nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu bưởi sang châu Âu, ông cũng cho rằng không nhất thiết bưởi phải được công nhận đạt chuẩn GlobalGAP hay VietGAP thì mới xuất khẩu được mà chỉ cần đạt những tiêu chuẩn theo quy định và trái bưởi độ đồng đều về mẫu mã, chất lượng.
Vì vậy, để trái bưởi đạt cả hai tiêu chuẩn trên, ông Nguyễn Quốc Bảo và ông Đàm Văn Hưng cùng cho rằng cần có sự vào cuộc của ngành Nông nghiệp trong hướng dẫn bà con nông cùng sản xuất theo cùng một quy trình và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để cho sản phẩm đồng đều (không có trái to, trái nhỏ), an toàn đạt tiêu chuẩn của thị trường Mỹ cũng như những thị trường tiềm năng khác.
“Sau đợt xuất khẩu này, HTX cùng với doanh nghiệp, bà con nông dân và ngành nông nghiệp cần phải ngồi lại với nhau để chia sẻ những thuận lợi, khó khăn của lô hàng đã xuất. Trên cơ sở đó sẽ có kế hoạch khắc phục. Có những cái khắc phục liền, tuy nhiên có những vấn đề cần có thời gian.
Ví dụ như ngành nông nghiệp sẽ chia sẻ cắt tỉa trái như thế nào để trái, bón phân như thế nào để trái đạt trọng lượng từ 1-1,8kg, những côn trùng nào gây hại để lại tỳ vết trái. Doanh nghiệp cũng cần có những hỗ trợ để bà con mình cùng thực hiện các vấn đề này”, ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết.
Cần áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao tỷ lệ bưởi da xanh đạt chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Minh Đảm. |
Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng bưởi khoảng 32.000 ha, sản lượng 369.000 tấn. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để loại trái cây này đi được nhiều hơn đến với thị trường khó tính.
"Mỹ tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn trái cây tươi, nhưng họ sản xuất 70%, còn lại 30%, tương ứng 3,6 triệu tấn phải nhập khẩu", ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin.
Tiêu chuẩn bưởi da xanh xuất khẩu sang Mỹ
Theo quy định của Mỹ và yêu cầu trong Chương trình xuất khẩu quả tươi từ Việt Nam sang Mỹ, quả bưởi tươi của Việt Nam phải được cấp mã số vùng trồng và cơ sở xử lý phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật của Mỹ (APHIS). Quả bưởi không được nhiễm ruồi, ngài và nấm và phải được Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Bà Erica Grover - Giám đốc khu vực của chương trình kiểm tra tại gốc APHIS cho hay: "Để xuất khẩu được bưởi sang Mỹ thì vùng trồng bưởi phải được đăng ký mã số vùng trồng với Cục Bảo vệ thực vật và APHIS; các lô hàng bưởi tươi phải được xử lý chiếu xạ; bưởi phải được đóng gói tại cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Aphis chấp thuận".
"Các mã số vùng trồng phải kiểm tra, kiểm soát 6 sinh vật gây hại đã đưa vào trong văn bản ký kết mà phía Mỹ quan tâm. Hay nói cách khác là chúng ta phải phòng trừ và loại trừ những đối tượng đó trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ", ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói.
Bưởi da xanh xuất khẩu không chỉ đạt chuẩn về độ an toàn còn phải đạt về hình thức. |
Để triển khai Chương trình xuất khẩu bưởi sang Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với các bên liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt sẽ tập trung tập huấn cho người sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi về các yêu cầu nhập khẩu của Mỹ.
Trái bưởi da xanh xuất khẩu sang thị trường Mỹ là niềm tự hào của người trồng bưởi cả nước. Đạt các tiêu chuẩn tại thị trường khó tính cho thấy chất lượng của trái bưởi da xanh Việt Nam. Để phát huy lợi thế, người trồng bưởi da xanh cần nắm vững các quy định về tiêu chuẩn xuất khẩu, tăng cường liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ./.