Xuất khẩu cà phê dần chinh phục mốc 4 tỷ USD năm 2023 Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đứng đầu thế giới Việt Nam xuất khẩu gần 17.000 tấn hồ tiêu trong tháng 9 |
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 50.967 tấn cà phê (tương đương 849.450 bao loại 60kg) trong tháng 9, giảm mạnh 39,8% so với tháng 8 và 47,2% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đầu năm nay ở mức 1,25 triệu tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022 và tổng giá trị xuất khẩu cao hơn 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng cà phê xuất khẩu giảm mạnh và đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng giá xuất khẩu trung bình trong tháng 9 vẫn tăng 8,4% so với tháng 8, đạt 3.310 USD/tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 36,1%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 2.497 USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại những ngày đầu tháng 10/2023, nông dân cũng đã bắt đầu thu hoạch cà phê chín sớm niên vụ 2023/2024. Điều này có thể giúp gia tăng nguồn cung cho hoạt động xuất khẩu cà phê trong thời gian tới. Dự kiến xuất khẩu cà phê sẽ tăng trở lại kể từ tháng 11/2023.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê hôm nay (11/10) tại khu vực Tây Nguyên đồng loạt tăng nhẹ 100 đồng/kg, kết thúc chuỗi giảm sâu 7 ngày liên tiếp, dao động trong khoảng 63.300 – 63.900 đồng/kg. Tuy nhiên, so với cuối tháng 9, giá cà phê nội địa hiện vẫn thấp hơn đến gần 3.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại tỉnh Lâm Đồng tăng lên mức 63.300 đồng/kg – thấp nhất khu vực. Giá cà phê tại Gia Lai và Đắk Lắk lần lượt lên mức 63.700 đồng/kg và 63.800 đồng/kg.
Tại thị trường thế giới giá cà phê tiếp tục có sự gia tăng trong phiên giao dịch hôm qua. Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), sau phiên giao dịch ngày 10/10, giá cà phê Arabica đã tăng gần 1% so với tham chiếu sau khi đồng tiền nội địa của Brazil mạnh lên, làm hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân nước này.
Dù chỉ số Dollar Index chỉ mất 0,24% trong phiên hôm qua, nhưng việc đồng Real nội tệ của Brazil mạnh lên đã đẩy tỷ giá USD/Brazil Real giảm mạnh 1,63%. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp đã thúc đẩy nông dân Brazil hạn chế hơn trong việc bán cà phê, do thu về ít nội tệ hơn.
Bên cạnh đó, sau khi chạm mức thấp nhất trong gần 6 tháng, giá Robusta hợp đồng tháng 1 năm 2024 đã khởi sắc trong phiên hôm qua với mức tăng nhẹ 0,09% so với tham chiếu. Xuất khẩu cà phê tháng 9 tiếp tục giảm tại Việt Nam khiến cho lo ngại về nguồn cung vừa dịu lại bùng lên.
Trong năm 2022, lần đầu tiên xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 4 tỷ USD, nhờ lượng xuất khẩu đạt mức cao thứ ba trong 10 năm qua, với 1,78 triệu tấn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chính vì đẩy mạnh lượng cà phê xuất khẩu trong năm 2022 nên trữ lượng xuất khẩu dành cho năm 2023 thấp, trong khi đó, sản lượng cà phê thu hoạch niên vụ 2022/2023 giảm tới 10-15% so với niên vụ 2021/2022 do thời tiết không thuận lợi. Dẫn tới, lượng cà phê xuất khẩu giảm mạnh trong năm nay. Tuy nhiên, nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng cao 10% so với năm 2022, nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng nhẹ trong 9 tháng đầu năm 2023.
Hiện tại những ngày đầu tháng 10/2023, nông dân cũng đã bắt đầu thu hoạch cà phê chín sớm niên vụ 2023/2024. Điều này có thể giúp gia tăng nguồn cung cho hoạt động xuất khẩu cà phê trong thời gian tới.
Về chủng loại, theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng gần 22% trong 7 tháng năm 2023 lên mức 448,7 triệu USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, tăng so với tỷ trọng 15% của cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, tỷ trọng của cà phê nhân (bao gồm Robusta và Arabica) giảm xuống còn 83,3% so với mức 85% của cùng kỳ. Việc gia tăng xuất khẩu cà phê chế biến cũng giúp giá trị xuất khẩu tăng cao.