Giá cà phê hôm nay giảm nhẹ 500 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (10/10), ghi nhận điều chỉnh giảm nhẹ 500 đồng/kg, hiện giao dịch trung bình ở mức 63.600 đồng/kg.
Giá cà phê cao nhất thu mua ở các vùng trọng điểm của Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum) được ghi nhận ở mức 63.800 đồng/kg.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 63.200 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với 63.600 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 63.700 đồng/kg.
Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 63.800 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới biến động không đồng nhất. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 11/2023 được ghi nhận tại mức 2.325 USD/tấn sau khi giảm 1,44% (tương đương 34 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 12/2023 tại New York ở mức 146,05 US cent/pound, không đổi so với hôm qua tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam).
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9/2023 đạt 65.000 tấn, trị giá 205 triệu USD, giảm 23,2% về lượng và giảm 20,8% về trị giá so với tháng 8/2023. So với tháng 9/2022, xuất khẩu cà phê trong tháng 9/2023 giảm 32,7% về lượng và giảm 12,8% về trị giá. Trong quý III/2023, Việt Nam xuất khẩu 259.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch 774 triệu USD, giảm 20,8% về lượng và tăng 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1,266 triệu tấn, trị giá 3,16 tỷ USD, giảm 7,3% về lượng, nhưng tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với cơ cấu chủng loại, xuất khẩu cà phê nhân xô giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng xuất khẩu cà phê chế biến tăng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), do đẩy mạnh lượng cà phê xuất khẩu trong năm 2022 nên trữ lượng xuất khẩu dành cho năm 2023 thấp, trong khi đó, sản lượng cà phê thu hoạch niên vụ 2022/2023 giảm tới 10-15% so với niên vụ 2021/2022 do thời tiết không thuận lợi. Dẫn tới, lượng cà phê xuất khẩu giảm mạnh trong năm nay. Tuy nhiên, nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng cao 10% so với năm trước, nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng nhẹ.
Đối với thị trường cà phê trong nước, giá cà phê nhân trên thị trường nội địa năm nay tăng cao, có thời điểm lên mức cao nhất 30 năm, vượt mốc 68.000 đồng/kg. Đến nay, giá bắt đầu giảm và đang dao động trong khung 64.200 – 64.600 đồng/kg, nhưng đây vẫn đang là vùng giá tốt.
Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho hay, bên cạnh việc nguồn cung suy giảm so với cầu, thì việc ngành cà phê nước ta đã nỗ lực nâng cao chất lượng cà phê cũng là nguyên nhân đưa giá cà phê xuất khẩu tăng cao. Những năm qua, các doanh nghiệp cà phê nước ta đã thay đổi tư duy canh tác hướng đến sản xuất bền vững, có chứng nhận quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm nếu muốn xuất khẩu cà phê tới thị trường này
Cà phê được ghi nhận là mặt hàng xuất khẩu chính của Gia Lai với sản lượng 165.000 tấn kể từ đầu năm đến nay.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai, mục tiêu của tỉnh là sẽ phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 1.200ha vào năm 2025. Trong giai đoạn từ năm 2026 đến 2030, tỉnh sẽ phát triển với diện tích cà phê đặc sản đạt 2.300ha. Vừa qua, sản phẩm cà phê Gia Lai cũng đã được lựa chọn tham gia Dự án thí điểm "Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam" bởi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Đây là cơ hội để sản phẩm cà phê của Gia Lai có bước tiến mạnh mẽ và vững chắc trên thị trường toàn cầu.
Những ngày đầu tháng 10/2023, nông dân cả nước cũng đã bắt đầu thu hoạch cà phê chín sớm niên vụ 2023/2024. Điều này có thể giúp gia tăng nguồn cung cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới. Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào ngày 7 và 9/10, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ được thu mua quanh mức 63.700 - 64.000 đồng/kg. Như vậy chỉ sau 1 tuần, giá cà phê trong nước đã giảm mạnh 2.200 - 2.400 đồng/kg.
Mặc dù giá đang có dấu hiệu giảm, nhưng ghi nhận ý kiến từ giới chuyên gia, hầu hết đều cho rằng, triển vọng ngành hàng cà phê vẫn rất sáng trong năm 2024 và nhiều năm tới
Thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng và giá cà phê xuất khẩu, nâng tầm sản phẩm cà phê Việt trên thị trường thế giới, Bộ NNPTNT và các địa phương vùng Tây Nguyên đang thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn thế giới.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn đến sản xuất cà phê. Vì vậy, Bộ NNPTNT xác định cần phải xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn ở các vùng trọng điểm, nhằm đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.
“Vấn đề quan trọng nhất cần phải tập trung tổ chức lại sản xuất ở các vùng miền để nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu cho cà phê Việt Nam. Nhiệm vụ chính của đề án là xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn của quốc tế và đặc biệt hướng đến giảm phát thải. Nội dung này đã được Bộ NNPTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các địa phương xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ cho người dân sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Giá tiêu hôm nay chưa có điều chỉnh mới
Giá tiêu hôm nay (10/10), tại các tỉnh trọng điểm trong nước tiếp tục dao động trong khoảng 68.000 - 71.000 đồng/kg.
Cụ thể, hồ tiêu tại Gia Lai và Đồng Nai đang được thu mua với mức giá lần lượt là 68.000 đồng/kg và 68.500 đồng/kg.
Kế đến là Đắk Lắk và Đắk Nông với cùng mức giá thu mua 69.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt ổn định tại mức 70.000 đồng/kg và 71.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 9/2023, Việt Nam xuất khẩu được 19.000 tấn hồ tiêu, giảm 5,6% so với tháng 8, nhưng tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch đạt 70 triệu USD, giảm 7,6% so với tháng 8, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu số liệu của thống kê khớp với số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), thì tình hình xuất khẩu giai đoạn cuối tháng 9/2023 cho thấy tín hiệu tốt khi 18 ngày đầu, VPSA cho biết mới xuất khẩu 8.615 tấn, đến cuối tháng tăng lên 19 ngàn tấn.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 207 nghìn tấn, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch đạt 685 triệu USD, giảm 11,1%. Chỉ còn quý IV/2023 cho nên mục tiêu xuất khẩu tỷ USD của ngành hàng hồ tiêu rất khó đạt được, giữ bối cảnh thị trường giằng co và nguồn cung thắt chặt như hiện nay.
Trên thị trường thế giới, trong 8 tháng đầu năm nay, thị trường nhập khẩu hồ tiêu Brazil nhiều nhất vẫn là Việt Nam với 9.491 tấn, giảm 11,6%.
Tiếp theo là Senegal đạt 4.820 tấn, tăng gấp 2 lần cùng kỳ; Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đạt 4.789 tấn, giảm 37,8%; Morocco với 4.402 tấn, tăng 4,4%; Ấn Độ ở mức 3.750 tấn, giảm 4,1%..
Ngoài ra, Brazil đẩy mạnh xuất khẩu tiêu sang một số thị trường như Pakistan (tăng 75%), Mexico (tăng 95%), Hà Lan (tăng 141,8%)… Ngược lại, sự sụt giảm được ghi nhận ở Mỹ (giảm 94,8%), Đức ( giảm 46%),…
Như vậy, đây đã là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam trở thành nước nhập khẩu tiêu đen lớn nhất từ Brazil, vượt qua các thị trường truyền thống như Mỹ và Đức.
Những thay đổi lớn đã xảy ra sau đại dịch Covid-19 và trong suốt 10 năm qua, sản xuất hồ tiêu ở Brazil đã phát triển mạnh mẽ ở phía nam bang Bahia và bang Espirito Santo.
Xuất khẩu của Brazil dao động trong khoảng 30.000 - 40.0000 tấn/năm trong giai đoạn 2000 - 2015, và đạt mức cao nhất là 91.000 tấn vào năm 2021 trước khi giảm xuống còn 86.360 tấn vào năm 2022.