Giá cà phê hôm nay giảm mạnh 2.200 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (8/10) đang dao động trong khoảng từ 63.600 - 64.300 đồng/kg. Tính chung tuần qua, giá cà phê trong nước giảm mạnh 2.200 đồng/kg.
Trong đó, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 63.700 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 63.600 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 64.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 64.100 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 64.100 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 64.000 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 64.300 đồng/kg, 64.200 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 64.100 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2023 ở mức 2.359 USD/tấn, giao tháng 1/2024 ở mức 2.280 USD/tấn. Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2023 ở mức 146,05 cent/lb, giao tháng 3/2024 ở mức 147,2 cent/lb.
Tổng kết tuần này, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2023 mất 103 USD/tấn; giá cà phê Arabica giao tháng 12/2023 giảm 0,1 cent/lb.
Theo Bộ Công Thương, ước tính tháng 9/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 3.151 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng 8/2023 và tăng 29,6% so với tháng 9/2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.499 USD/tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến cáo việc giá cà phê lên cao lịch sử rất có thể xảy ra tình trạng nông dân phá rừng hoặc các loại cây trồng khác để trồng cà phê. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, đây là thời điểm giá cà phê cao nhất trong vòng 30 năm qua, cần phải có sự cảnh báo đến các địa phương trồng cây cà phê, đặc biệt các tỉnh Tây Nguyên. Các địa phương cần kiểm soát người dân sống vùng gần rừng, ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng để trồng cây cà phê, đặc biệt là trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ cuối năm 2024. EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê quan trọng của Việt Nam.
Do đó, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu cà phê sang thị trường EU buộc phải thay đổi tư duy canh tác, hướng đến sản xuất bền vững, có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, việc khó khăn nhất mà các doanh nghiệp cà phê Việt Nam gặp phải là xây dựng bản đồ định vị vườn cà phê, truy xuất nguồn gốc.
Kinh nghiệm từ Gia Lai – một trong những vùng trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam cho thấy, ngoài các mặt hàng như trái cây chế biến, mủ cao su, vật tư… có mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ, cà phê được ghi nhận là mặt hàng xuất khẩu chính với sản lượng 165 nghìn tấn từ đầu năm tới nay. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng thị trường thế giới tăng, nhất là kỳ nghỉ đông và Tết Dương lịch tại một số nước khu vực EU, Mỹ… nên đã thúc đẩy sản lượng hàng xuất khẩu vào các thị trường này.
Bên cạnh đó, là 1 trong 8 địa phương triển khai đề án phát triển cà phê đặc sản giai đoạn 2021 - 2030, Gia Lai đang thúc đẩy nhiều giải pháp phát triển mặt hàng cà phê giá trị cao, được xem là hướng đi triển vọng và bền vững của địa phương giai đoạn đến năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2025, Gia Lai sẽ phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 1.200ha, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến giai đoạn 2026 - 2030, phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 2.300ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến năm 2025, phấn đấu có trên 1.000ha cà phê Robusta đặc sản với sản lượng khoảng 620 tấn. Năm 2030, diện tích này đạt khoảng 2.300ha, sản lượng đạt khoảng 1.700 tấn.
Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho hay, việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cà phê luôn được chính quyền, các ngành chức năng và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm. Đáng nói, cà phê được mùa bội thu do giá cà phê nhân xô trên thị trường Tây Nguyên từ tháng 6/2023 đến nay đã vượt ngưỡng 61.000 đồng/kg, trên thị trường quốc tế đạt bình quân 2.300 - 2.400 USD/tấn (tăng hơn 10% so cùng kỳ 2022). Đây được xem là mức tăng cao nhất của mặt hàng này kể từ năm 2011.
Giá tiêu hôm nay giảm mất 1.000 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay (8/10), toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 68.000 - 71.000 đồng/kg. Tổng kết tuần này giá tiêu trong nước mất 1.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 69.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 71.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.000 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 68.500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay đạt mức 68.000 đồng/kg.
Theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường trong nước đang chu kỳ giảm, bên bán đang chịu áp lực trong cuộc chiến giằng co về giá với bên mua. Giá tiêu nội địa cùng đà giảm với thị trường thế giới giữa bối cảnh đồng USD neo ở mức cao và lạm phát nhiều nơi dẫn đến giảm nhu cầu.
Về cây trồng trong nước thời điểm hiện tại, trong số các mối đe dọa vào mùa mưa, sâu bệnh ít phá hoại trong khi các bệnh nấm và tuyến trùng lại gây hại nhiều hơn. Để giải quyết các vấn đề như rệp sáp hại rễ, tuyến trùng tấn công và các bệnh do Phytophthora gây ra, điều quan trọng là phải thực hiện quản lý kỹ thuật tổng hợp bên cạnh các phương pháp hóa học.
Đối với tiêu trồng trên cột sống, cành trên cột sống cần được cắt tỉa để tạo sự thông thoáng, hạn chế sâu bệnh và tăng cường tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, từ đó tạo điều kiện cho cây phát triển tốt hơn.
Trong hơn một thập niên qua, giá tiêu Việt đã trải qua giai đoạn lên xuống, có thời điểm đạt đỉnh gần 230.000 đồng/kg, nhưng có thời điểm giá giảm còn 34.000 đồng/kg. Hiện nay, giá hồ tiêu tại thị trường trong nước ở mức 70.000 đồng/kg.
Ngành hồ tiêu và gia vị đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng trên 2 tỷ USD, với tổng sản lượng từ 400.000 - 500.000 tấn. Để đạt được mục tiêu này, ngành cần nâng cao chất lượng sản phẩm và khai thác tốt nguồn lực từ các thị trường, phát huy lợi thế từ nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới.
Dù hồ tiêu Việt Nam đã có vị thế trên thị trường quốc tế nhưng trong 6 tỉnh trọng điểm sản xuất, Việt Nam mới chỉ xây dựng được thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê (từ cuối năm 2021). Hiện nay, giá xuất khẩu hồ tiêu có thương hiệu luôn cao hơn từ 15%-20% so với hồ tiêu xuất khẩu loại 1, đây là vấn đề để các doanh nghiệp xuất khẩu cần xem lại.
Trên thế giới, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) nhận định, thị trường hạt tiêu tuần này cho thấy phản ứng trái chiều, chỉ có tiêu đen nội địa Sri Lanka được báo cáo tăng. Sau khi có xu hướng giảm trong 2 tuần qua, giá tiêu Ấn Độ trong tuần này báo cáo ổn định.