Theo đó, để thác thế mạnh về kinh tế lâm nghiệp, chăn nuôi trâu hàng hóa và nuôi trồng các loài cá đặc sản để phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Tuyên Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ phải thực hiện với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, có hiệu quả các nội dung Kế hoạch thực hiện việc đột phá, đổi mới năm 2020 và giai đoạn 2020 - 2025.
Theo kế hoạch đến năm 2020, trong phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa, Tuyên Quang sẽ có trên 600 con nghé đẻ ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; khối lượng nghé sơ sinh tăng từ 10-20% so với phối giống trực tiếp. Tổ chức chăn nuôi trên 1.500 con trâu thịt theo chuỗi liên kết.
Mô hình nuôi cá lồng tại Tuyên Quang
Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 11.288 ha. Số lồng nuôi cá phấn đấu đạt 2.200 lồng (số lượng lồng nuôi cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao trên sông, hồ thủy điện chiếm 50%). Sản lượng thủy sản 8.246 tấn/năm (trong đó sản lượng cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao 785 tấn/năm, cá truyền thống 7.461 tấn/năm). Đặc biệt, sản xuất giống thuỷ sản được quan tâm. Toàn tỉnh sẽ sản xuất, dịch vụ được 70 triệu con cá truyền thống; 0,6 triệu con cá giống đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao.
Trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, Sở NN&PTNT Tuyên Quang sẽ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng 10.000 ha rừng tập trung, khai thác 880.000 m3 gỗ rừng trồng. Hoàn thiện, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035.
Trong năm 2020, ngành nông nghiệp Tuyên Quang phát triển từ 03 đến 05 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản sản xuất theo chuỗi cung cấp cho các siêu thị, trung tâm thương mại. Đặc biệt, Sở NN&PTNT sẽ xây dựng từ 01 đến 02 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Mô hình nuôi trâu tại Tuyên Quang
Trong phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN&PTNT Tuyên Quang xác định hình thành vùng sản xuất trâu giống tại huyện Chiêm Hóa. Dự kiến khoảng 16.000 con trâu, nghé có chất lượng, được sinh sản bằng thụ tinh nhân tạo, hoặc phối giống trực tiếp từ trâu đực đủ tiêu chuẩn phối với trâu cái nền. Tăng 15-20% sản lượng thịt trâu hơi thương phẩm; giá trị kinh tế chăn nuôi trâu tăng 10-15%. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết với các trang trại, gia trại để xây dựng mô chăn nuôi trâu, chế biến sản phẩm thịt trâu.
Theo kế hoạch, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 12.274 ha. Số lồng nuôi cá 2.728 lồng (trong đó trên 50% nuôi cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao). Sản lượng thủy sản đạt 19.087 tấn/năm (trong đó cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao 1.306 tấn/năm, cá truyền thống 17.781 tấn/năm). Đến năm 2025, toàn tỉnh sản xuất, dịch vụ được 80 triệu con cá truyền thống; 01 triệu con cá giống đặc sản.
Riêng về phát triển kinh tế lâm nghiệp, chỉ tiêu này được bổ sung vào Kế hoạch sau khi Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2035 được UBND tỉnh phê duyệt.
Linh Anh