Tại sao đột quỵ thường xảy ra vào mùa lạnh? Tắm đêm - Thói quen tiềm ẩn nguy cơ gây đột quỵ Bác sĩ cảnh báo phương pháp chữa đột quỵ bằng 'ho mạnh, sấy vào gáy' |
Nguy cơ đột quỵ sau khi massage
Massage không phải là biện pháp giúp giải rượu, mà nó còn làm tăng nguy cơ đột quỵ với một số người. |
Mới đây, một nam thanh niên khoảng 30 tuổi, ở Bình Dương tử vong khi đi massage nghi do đột quỵ khiến nhiều người hoang mang, lo lắng, nhất là vào dịp cuối năm. Theo đó, đây là thời điểm các công ty, cơ quan tổ chức tổng kết, ăn uống nhiều. Sau khi ăn uống xong, không ít người có thói quen đi massage với mục đích giúp nhanh giải rượu.
Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội mạch máu Việt Nam cho biết, với những người bị đột quỵ sau khi massage thì rất có thể là do đã mắc sẵn những yếu tố nguy cơ từ trước mà không được tầm soát, chẳng hạn như: Khi massage, một số cơ sở sẽ áp dụng liệu pháp có tính nóng, tăng nhiệt độ phòng. Điều này có thể gây tăng huyết áp và dẫn tới vỡ khối dị dạng ở những người bị dị dạng mạch máu bẩm sinh, từ đó tăng nguy cơ xảy ra xuất huyết não và tử vong. Với những người mắc bệnh lý tim mạch bẩm sinh, những tác động lực khi massage có thể khiến bệnh tim khởi phát và dẫn tới tử vong.
Bên cạnh đó, nhiều người có thói quen đi massage sau khi uống rượu với mong muốn "giải rượu". Tuy nhiên, theo bác sĩ Mạnh, massage sau khi uống rượu có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, do sau khi uống rượu huyết áp sẽ tăng cao. Ngoài ra, massage kết hợp với nhiều liệu pháp, bao gồm các động tác day ấn mạnh, xoa bóp khiến cho tĩnh mạch nóng và giãn ra gây tăng huyết áp đột ngột.
Cộng với việc sau khi uống rượu, máu bị cô đặc, có thể hình thành các cục máu đông. Nếu massage không đúng cách và tác dụng lực ấn quá mạnh vào đường đi của mạch máu có thể gây tổn thương thành mạch, hình thành huyết khối. Khi huyết khối đã hình thành, nó sẽ tiếp tục phát triển và trôi theo chiều của dòng chảy tĩnh mạch, có thể gây tắc mạch và tăng nguy cơ đột quỵ.
Với những người có mảng xơ vữa trong lòng mạch, quá trình xoa bóp có thể khiến lớp nội mô của mạch máu bị tổn thương, từ đó gây vỡ các mảnh xơ vữa. Các mảnh vỡ nhỏ này nổi lên theo dòng máu và hình thành cục máu đông, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Khuyến cáo từ chuyên gia
các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên thực hiện ở cơ sở được cấp phép, người thực hiện phải có chứng chỉ hành nghề. |
Theo bác sĩ Mạnh, massage là một phương pháp điều trị tốt trong Y học cổ truyền, tuy nhiên, việc này cần phải được thực hiện bởi các kỹ thuật viên có chuyên môn. Người thực hiện massage nếu không được đào tạo bài bản có thể sẽ bấm huyệt sai và có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe của người sử dụng dịch vụ.
Việc massage kết hợp với nhiều liệu pháp, đặc biệt là các động tác day ấn mạnh, xoa bóp khiến cho tĩnh mạch nóng và giãn ra. Khi đó tác dụng lực ấn quá mạnh vào đúng đường đi của mạch máu có thể gây tổn thương thành mạch, hình thành huyết khối. Khi huyết khối đã hình thành, nó ngày càng phát triển, sau đó trôi lên trên theo chiều của dòng chảy tĩnh mạch, gây tắc và có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Với người có mảng xơ vữa trong lòng mạch máu, quá trình xoa bóp có thể khiến lớp nội mô của mạch máu bị tổn thương, từ đó dẫn đến những mảnh vỡ nhỏ nổi lên theo dòng máu và hình thành cục máu đông. Hoặc việc massage có dùng lực mạnh, tập trung một chỗ quá lâu cũng có thể khiến các tiểu cầu trong máu dễ kết tụ và đông lại trong động mạch cảnh, rất nguy hiểm.
Để phòng ngừa đột quỵ khi massage, các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên thực hiện ở cơ sở được cấp phép, người thực hiện phải có chứng chỉ hành nghề. Khi thực hiện các động tác massage tuyệt đối không xoay, bẻ tác động vùng lực lớn tại khu vực cổ.
Bác sĩ Lê Thiện Kim Hữu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 thì cho rằng, hiện nay việc quảng cáo quá đà và phóng đại tác dụng của các phương pháp massage trong điều trị say rượu hoặc thậm chí ngộ độc rượu đã gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng. Điều này không chỉ làm mất lòng tin của người bệnh mà còn có nguy cơ gây ra các tai biến y khoa, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được xử lý đúng cách.
Trước thông tin cho rằng, massage có thể giải được rượu, bác sĩ Kim Hữu cho biết, xoa bóp có thể giúp tăng cường lưu thông máu, nhưng tác dụng này không trực tiếp làm giảm nồng độ acetaldehyde (cồn) hay đẩy nhanh quá trình giải rượu. “Gan vẫn là cơ quan chính thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, xoa bóp có thể giúp giảm một số triệu chứng khó chịu do say rượu, như đau đầu, đau mỏi cơ, bằng cách thư giãn cơ bắp và giảm căng thẳng”, bác sĩ Hữu chia sẻ.
Từ những phân tích trên, bác sĩ Hữu khẳng định, xoa bóp và ấn huyệt có thể được sử dụng để giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu sau khi uống rượu, đặc biệt là đau đầu và đau mỏi cơ, chứ không phải là phương pháp giải rượu chính. Việc xoa bóp không giúp gan lọc rượu nhanh hơn. Phương pháp giải rượu hiệu quả nhất vẫn là thời gian để gan tự xử lý ethanol và tránh uống quá nhiều rượu.
Lưu ý khi xoa bóp, bấm huyệt sau khi uống rượu
Nếu xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc rượu nặng cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức. |
Bác sĩ Kim Hữu đưa ra một vài lưu ý khi xoa bóp, bấm huyệt sau khi uống rượu như sau:
Vùng xoa bóp bấm huyệt: Chỉ nên thực hiện xoa bóp ở vùng đầu và các vùng cơ bị đau mỏi.
Thời gian và phương pháp: Mỗi lần xoa bóp không nên kéo dài quá 20 phút cho mỗi vùng. Nên sử dụng các phương pháp làm ấm nhẹ nhàng như chườm ấm hoặc xông hơi ngải cứu để giãn cơ. Tránh sử dụng các thủ thuật mạnh khác.
Chống chỉ định: Tuyệt đối không bấm huyệt trên các vết thương hở, vết bầm tím hoặc bất kỳ vùng da nào đang bị sưng tấy.
Áp lực: Khi xoa bóp day ấn phải nhẹ nhàng, đặc biệt là ở những vùng da mỏng và nhạy cảm như mặt. Bất kỳ cảm giác đau nào trong quá trình xoa bóp đều là dấu hiệu cần dừng lại và điều chỉnh lại kỹ thuật. Xoa bóp bấm huyệt không được gây đau.
Trường hợp nghiêm trọng: Nếu xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc rượu nặng như mất nước nghiêm trọng, lơ mơ, dấu hiệu sinh tồn (ví dụ: mạch, huyết áp, nhịp thở) không ổn định, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức. Tuyệt đối không tự ý xoa bóp bấm huyệt trong những trường hợp này.