Lời khuyên từ chuyên gia Herbalife: Đừng bao giờ đánh giá thấp về sức mạnh bài tập khởi động trong mùa lạnh Những biện pháp phòng tránh đột quỵ vào mùa lạnh Ăn uống lành mạnh với rau củ mùa đông |
Đột quỵ còn được biết tới với tên gọi khác đó là tai biến mạch máu não. Hiện tượng này cho thấy não bộ đang bị tổn thương nghiêm trọng do chu trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm do bị thiếu oxy, không có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi tế bào. Trong vòng vài phút, nếu các tế bào không được cung cấp đủ máu, não sẽ chết.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước đã khẳng định, đột quỵ có mối liên quan mật thiết với thời tiết. Các nghiên cứu tại Pháp cho thấy đỉnh cao của đột quỵ tại nước này rơi vào các tháng Hai và tháng Tư – thời điểm trời lạnh nhất trong năm. Các nghiên cứu từ các quốc gia như Phần Lan, Úc, Hoa Kỳ, Đức, Đài Loan, Trung Quốc và Iran đều báo cáo rằng đột quỵ xảy ra thường xuyên hơn trong những tháng lạnh hơn so với những tháng ấm hơn.
Theo một nghiên cứu trên 545 bệnh nhân tại Hàn Quốc, cho thấy nguy cơ đột quỵ tăng lên khi nhiệt độ giảm. Và ngay cả khi nhiệt độ giảm vừa phải cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Thời gian rủi ro là 24 – 48 giờ sau khi tiếp xúc với lạnh. Phụ nữ, người trên 65 tuổi, người bị tăng huyết áp hoặc tăng cholesterol máu dễ bị đột quỵ do lạnh.
Có 2 loại đột quỵ chính bao gồm:
Đột quỵ thiếu máu cục bộ: Tình trạng cục máu đông lại làm động mạch chủ bị tắc nghẽn làm cho quá trình lưu thông máu lên não bị cản trở.
Đột quỵ xuất huyết: Hiện tượng các mạch máu đến não vỡ dẫn tới máu chảy nhiều, ồ ạt, xuất huyết não
Nguyên nhân chính xảy ra đột quỵ mùa lạnh
Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Y tế, sức khỏe cho biết số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ mùa lạnh tăng mỗi năm từ 15 đến 30%. Trong đó, nhiệt độ thay đổi bất chợt, đột ngột khiến máu đông và động mạch chủ tắc nghẽn tăng cao.
Co mạch và tăng huyết áp đột ngột
Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (chẳng hạn như từ trong nhà hay chăn ấm bước ra ngoài trời lạnh) dẫn tới cơ thể không kịp thích nghi.
Khi nhiệt độ thấp, cơ thể phản ứng bằng cách co mạch máu ngoại vi (mạch máu mang máu từ tim đến cơ quan ở xa tim) để giữ ấm, tập trung máu vào các cơ quan quan trọng, dẫn tới huyết áp tăng gây áp lực lớn lên hệ tuần hoàn.
Huyết áp cao cũng tạo áp lực lên mạch máu gây vỡ - yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ xuất huyết não. Trời lạnh còn kích thích hệ thần kinh giao cảm, tăng tiết các hormone như adrenalin, làm co mạch, tăng nhịp tim, tạo gánh nặng cho hệ tim mạch, nhất là người có tiền sử bệnh tim hoặc tăng huyết áp.
Ít vận động
Trong thời tiết lạnh, chúng ta thường ít vận động hơn, dẫn đến tăng trọng lượng, tăng nguy cơ béo phì – một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Máu đông
Nhiệt độ giảm sâu vào mùa đông làm cho độ nhớt máu tăng, máu dễ bị đông đặc tạo ra huyết khối, mạch tắc cứng. Điều này khiến cho lượng máu đến não ứ đọng lại, để lâu dần sẽ bị đột quỵ nếu không được phát hiện kịp lúc;
Nhịp tim tăng cao
Khi trời chuyển lạnh, cơ thể cần sản sinh thêm nhiệt để giữ ấm, kéo theo nhịp tim tăng để bơm máu nhanh hơn nhằm duy trì nhiệt độ cơ thể. Nhịp tim cao làm tăng gánh nặng lên tim, dễ dẫn đến rối loạn nhịp tim hoặc các biến cố tim mạch khác liên quan đến đột quỵ. Với người mắc bệnh tim mạch, tim làm việc quá sức trong thời gian dài dễ gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Sử dụng rượu bia
Uống rượu bia thường xuyên vào mùa đông làm cho lượng cồn tồn đọng trong máu quá lâu. Kết quả gây ra huyết áp, nhịp tim, lưu lượng máu tăng cao và độ kết dính của máu giảm, nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não cũng tăng theo.
Thực phẩm
Mùa lạnh làm chúng ta có xu hướng tiêu thụ các loại thực phẩm giàu năng lượng, bao gồm các loại thực phẩm nhiều chất béo, giàu calo. Điều này cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ mùa lạnh.
Giảm oxy lên não
Không khí khô do thời tiết lạnh sẽ giảm hiệu quả trao đổi oxy trong phổi. Khi não không được cung cấp đủ oxy, nguy cơ đột quỵ tăng. Người mắc bệnh phổi hoặc tim mạch mạn tính có nguy cơ cao hơn.
Trầm cảm
Mùa đông trời thường sáng muộn và tối sớm dễ dẫn đến rối loạn nhịp sinh học do thiếu ánh sáng mặt trời.
Thiếu ánh nắng mặt trời, thiếu hoạt động thể chất và không thể ra ngoài vào mùa lạnh đều đã được chứng minh là góp phần gây ra trầm cảm theo mùa vào mùa đông. Và trầm cảm cũng được chứng minh là có liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ và dẫn đến hậu quả đột quỵ nặng hơn.
Cách phòng tránh đột quỵ trong thời tiết lạnh
Mặc dù những nước có nhiệt độ ấm hơn như nước ta có ít nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh hơn, nhưng cũng không nên chủ quan. Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đột quỵ cao nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa hợp lý để giảm thiểu hậu quả của thời tiết lạnh, đặc biệt là người cao tuổi hoặc đã từng bị đột quỵ. Một số phương pháp phòng tránh nên thực hiện là:
Giữ ấm cơ thể cả ở trong nhà và ngoài trời, nhiệt độ trong phòng chỉ nên để thấp nhất là 18oC.
Những người có tiền sử bệnh tim hoặc đột quỵ nên sử dụng nước ấm để tắm, để tránh bị lạnh trong và sau khi tắm.
Không nên tắm lâu và quá muộn sau 11 giờ đêm, đặc biệt là không tắm nước lạnh. Nên lau khô cơ thể và sấy khô tóc sau khi tắm xong.
Duy trì tập thể dục ít nhất 5 ngày mỗi tuần, đặc biệt là trong suốt những tháng lạnh.
Cố gắng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và vệ sinh cá nhân sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
Chú ý uống đủ nước.
Không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia.
Có chế độ ăn uống lành mạnh, tăng khẩu phần trái cây và rau củ, hạn chế chất béo không lành mạnh, thịt đỏ, đường và muối.
Những người bị cao huyết áp, cholesterol cao và đái tháo đường nên thường xuyên kiểm tra và kiểm soát các chỉ số này.