Lưu ý an toàn khi tập thể dục vào mùa lạnh Những lưu ý khi dùng máy sưởi trong mùa lạnh Lời khuyên từ chuyên gia Herbalife: Đừng bao giờ đánh giá thấp về sức mạnh bài tập khởi động trong mùa lạnh |
Kết quả nhiều nghiên cứu dài hơi, đa trung tâm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh thường tăng từ 15% đến 30%, nhất là khi thời tiết lạnh đột xuất hay rét đậm, rét hại.
Trong thời tiết giao mùa nóng lạnh thất thường, mọi người cần cảnh giác nguy cơ đột quỵ, nhất là người cao tuổi và người có bệnh tim mạch. Bởi khi ở trong môi trường quá lạnh hoặc quá nóng, cơ thể con người tự động có những điều chỉnh sinh lý nhất định để duy trì ổn định thân nhiệt.
Cụ thể, trời lạnh, nhiệt độ không khí thấp hệ thần kinh trực giao cảm có phản xạ tăng tiết các catecholamine như adrenaline và noradrenaline làm co các mạch máu ngoại vi để giữ ấm cơ thể sẽ khiến nhịp tim tăng lên, tăng huyết áp, tim phải làm việc cật lực hơn, tăng nguy cơ đông máu trong lòng mạch…cuối cùng cơn đột quỵ xảy ra.
Đối với bệnh nhân có vấn đề về mạch vành, nhiệt độ thấp có thể dẫn tới các đợt thiếu máu cục bộ ở tim do cơ tim bị thiếu O2, gây các cơn đau thắt ngực, cơn đau tim cấp.
Nhiệt độ môi trường giảm nhanh chóng khiến người suy tim đang ổn định bỗng đột ngột diễn biến xấu, tăng nguy cơ nhập viện và thậm chí tử vong.
Còn những người đang đối mặt với tình trạng tăng huyết áp, thời tiết thay đổi thất thường có thể làm chỉ số huyết áp càng cao hơn, dễ gây ra các biến chứng tim mạch và dẫn đến đột quỵ.
Người cao tuổi hoặc bị bệnh tim mạch cần cảnh giác và phải có biện pháp tránh đột quỵ, đặc biệt khi trời trở lạnh, giao mùa. Trả lời cho câu hỏi đột quỵ phòng được không, các bác sĩ cho biết những biện pháp phòng ngừa đột quỵ đều khá đơn giản và ai cũng có thể dễ dàng thực hiện. Cụ thể như sau:
Giữ ấm cơ thể
Khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể dễ mất nhiệt, gây hiện tượng co mạch nhằm giữ nhiệt cho các cơ quan quan trọng. Việc co mạch làm tăng áp lực máu, khiến huyết áp tăng cao, đặt hệ tim mạch vào trạng thái quá tải và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Giữ ấm cơ thể là yếu tố then chốt, đặc biệt là cho người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh mạch máu. Người dân nên chú ý mặc đủ ấm, ưu tiên các vùng dễ mất nhiệt như cổ, tay, chân và ngực.
Việc mặc nhiều lớp quần áo giúp giữ nhiệt tốt hơn và giảm thiểu tác động của thay đổi nhiệt độ bên ngoài. Bàn chân là nơi dễ mất nhiệt nhất trên cơ thể. Đeo tất khi ngủ giúp ngăn chặn sự thoát nhiệt qua vùng này, từ đó duy trì nhiệt độ ổn định và hỗ trợ huyết áp vào ban đêm.
Không hoạt động quá sức
Đừng cố gắng vận động quá gắng sức trong khí hậu lạnh. Ngay việc đi bộ nhanh hơn bình thường, kết hợp với gió lạnh thổi vào mặt và cơ thể, cũng được đánh giá là gắng sức. Thậm chí, chỉ ngồi yên ở ngoài trời lạnh cũng thúc đẩy bên trong cơ thể chúng ta phải hoạt động nhiều hơn bình thường nhằm giữ cho thân nhiệt được ổn định.
Kiểm soát huyết áp và đường huyết
Kiểm soát huyết áp và đường huyết thường xuyên là một biện pháp quan trọng khác trong mùa lạnh, đặc biệt với người tiền sử cao huyết áp hoặc tiểu đường, giúp phát hiện sớm bất kỳ biến động nào, từ đó có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Về nguyên lý, mùa lạnh là thời điểm huyết áp và đường huyết dễ tăng do cơ chế co mạch cùng sự ảnh hưởng của nhiệt độ đến quá trình chuyển hóa của cơ thể.
Theo dõi huyết áp tại nhà bằng các máy đo chuyên dụng. Huyết áp bình thường dưới 120/80 mmHg, trên mức này là tăng huyết áp.
Để duy trì mức huyết áp và đường huyết ổn định, người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế muối, đường và chất béo bão hòa. Những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống hàng ngày sẽ hỗ trợ quá trình kiểm soát huyết áp và đường huyết tốt hơn.
Không lạm dụng rượu
Uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh là việc làm nguy hiểm. Rượu làm giãn mạch máu da, khiến chúng ta cảm thấy ấm hơn trong khi nhiều cơ quan trong cơ thể lại bị mất nhiệt.
Tuân thủ điều trị
Bệnh nhân cần dự phòng biến chứng tắc mạch não do rung nhĩ bằng cách kiểm soát tốt tần số tim và ngăn cản sự hình thành huyết khối. Việc uống thuốc dự phòng phải đều đặn, theo đúng chỉ định và được bác sĩ chuyên khoa tim mạch theo dõi thường xuyên. Điều trị dự phòng đòi hỏi kết hợp xử trí nguyên nhân gây rung nhĩ bằng các kỹ thuật y khoa, điều trị bệnh mạch vành, tiểu đường và viêm phổi.
Tóm lại, người bị bệnh tim mạch hay có tiền sử đột quỵ phải luôn cảnh giác với biến chứng tắc mạch và nhiệt độ lạnh. Để tránh nguy hiểm đe dọa tính mạng, cần có chiến lược dự phòng hình thành cục máu đông, đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng ngừa thông thường nhằm giảm nguy cơ đột quỵ trong môi trường lạnh.
Duy trì lối sống lành mạnh
Cũng như nhiều bệnh lý khác, mọi người cần tránh những lối sống không tốt như bỏ hút thuốc lá, không ăn mặn muối, hạn chế đồ ngọt, thực phẩm siêu chế biến, năng tập thể dục hoặc vận động phù hợp, hạn chế xúc động hoặc stress, ăn uống đầy đủ, khoa học…
Những thực phẩm ăn vào mùa lạnh giúp giữ ấm cơ thể và tăng đề kháng |
"3 điều không, 4 điều cần" trong mùa lạnh để tránh đột quỵ |
Mùa lạnh ngâm chân trong nước ấm mỗi ngày có tốt cho sức khỏe? |