Giá tiêu ổn định ở mức cao trong bối cảnh xuất khẩu giảm Thị trường Đức bùng nổ, cà phê Việt xuất khẩu tăng gấp đôi |
![]() |
Tự chuyển mình để thích nghi: Giải pháp căn cơ cho xuất khẩu việt nam. |
Chuyển đổi tư duy sản xuất để thích ứng với “luật chơi” mới
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước áp lực ngày càng lớn từ những rào cản kỹ thuật, các vụ kiện phòng vệ thương mại và chính sách bảo hộ đến từ các quốc gia nhập khẩu. Không còn là câu chuyện riêng của các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như gỗ, thủy sản, dệt may hay thép, mà ngày càng nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu thấp như mật ong, gạch men, giấy bọc thuốc lá cũng bị điều tra.
Theo ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong sân chơi thương mại toàn cầu, các biện pháp phòng vệ được xem là công cụ hợp pháp nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa của mỗi quốc gia. Ngoài yếu tố kinh tế, các nước còn ngày càng chú trọng đến tiêu chí phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và quyền lợi người tiêu dùng, từ đó đặt ra những quy định khắt khe đối với chuỗi cung ứng, nguyên liệu, môi trường và lao động.
Trước thực tế này, các chuyên gia khuyến cáo: doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy sản xuất – thay vì cạnh tranh bằng giá, cần chuyển hướng sang cạnh tranh bằng chất lượng, công nghệ và uy tín thương hiệu. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law – nhấn mạnh: “Chỉ khi hàng hóa đạt chất lượng, minh bạch nguồn gốc, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp mới có thể tránh nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại và duy trì chỗ đứng ổn định trên thị trường quốc tế”.
Đơn cử như ngành thép – lĩnh vực từng chiếm tới 30% số vụ kiện phòng vệ thương mại với Việt Nam – đã có những chuyển biến tích cực nhờ chủ động đầu tư công nghệ, cải tiến quản trị, nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc và định hướng theo xu thế tiêu dùng xanh. Nhờ đó, ngành thép đang từng bước củng cố vị thế và khả năng thích ứng với các biện pháp bảo hộ từ nước ngoài.
Đa dạng hóa thị trường, tái cấu trúc chuỗi cung ứng: Mệnh lệnh sống còn
![]() |
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng – Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế. |
Dù xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2025 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 13%, với tổng kim ngạch đạt 140,34 tỷ USD, song cơ cấu thị trường vẫn đang đặt ra nhiều cảnh báo. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 43,4 tỷ USD – chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch. Điều này phản ánh sự phụ thuộc ngày càng lớn vào một thị trường đơn lẻ, đi kèm với nguy cơ tổn thương cao nếu chính sách nhập khẩu của Mỹ thay đổi.
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng – Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế – cảnh báo: chính sách thuế đối ứng của Mỹ có thể khiến giá hàng hóa Việt Nam đội lên 1,5 lần, làm giảm khả năng cạnh tranh và dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng cho nhiều ngành hàng chủ lực như dệt may, gỗ, điện tử, thủy sản... Sự lệ thuộc lớn vào một thị trường khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng chống chịu khi rủi ro phát sinh, thậm chí phải thu hẹp sản xuất hoặc rút khỏi thị trường.
Trước thách thức đó, các chuyên gia đồng thuận rằng: doanh nghiệp cần nhanh chóng tái cấu trúc chuỗi sản xuất và thị trường tiêu thụ. Cụ thể, cần giảm dần tỷ trọng các mặt hàng gia công, tăng đầu tư vào công nghệ cao, chế biến sâu, nâng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp chế biến mới đạt khoảng 35-40%, còn khá xa so với mục tiêu 60% vào năm 2030.
Cùng với đó, việc chuẩn hóa hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ số như blockchain, mã QR… là giải pháp tối ưu để nâng cao tính minh bạch và đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) đang được các thị trường phát triển ưu tiên.
Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu quốc gia và định vị giá trị "Made by Vietnam" thay vì chỉ “Made in Vietnam” sẽ là chìa khóa để nâng tầm hàng hóa Việt. Điều này không chỉ giúp tăng quyền định giá mà còn tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng và đối tác quốc tế, mở rộng cánh cửa cho hàng Việt bước sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuyển mình để thích nghi không còn là lựa chọn mà là mệnh lệnh sống còn với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, chỉ những doanh nghiệp dám đầu tư, dám đổi mới, dám thích nghi mới đủ sức vững vàng trước các cú sốc từ thị trường, từ đó duy trì tăng trưởng bền vững và đưa thương hiệu Việt vươn xa hơn nữa.
![]() |
![]() |