Thị trường bất động sản trong nước vẫn có nhiều điểm sáng trong dịch Covid-19
Đây là dự báo được đưa ra tại tọa đàm: "Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới" vừa diễn ra vào ngày 7/10. Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết dù thời gian qua các hoạt động kinh doanh trong nước tại nhiều tỉnh thành tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng thị trường bất động sản (BĐS) trong nước vẫn có hàng vạn giao dịch diễn ra.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 nhưng có thể thấy Việt Nam vẫn là một điểm sáng về BĐS trên thế giới. Nhìn tổng thể bức tranh giao dịch BĐS trong nước tuy bị ảnh hưởng nhưng một vài tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng cao như: Vĩnh Phúc, Hải Phòng đạt mức 14%. Qua đó có thể thấy đầu tư BĐS trong nước vẫn có 'gam màu sáng' trong thời gian tới.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đánh giá giao dịch năm 2021 thậm chí còn lạc quan hơn 2020. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 55.000 giao dịch, trong khi năm 2020 chỉ có 43.000 giao dịch. Điều đó cho thấy thị trường BĐS vẫn có bước phát triển tốt và BĐS vẫn là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bộ Xây dựng sẽ ban hành nhiều văn bản được dự báo có tác động lớn đến thị trường BĐS trong nước. |
Tuy nhiên, cũng theo ông Khởi thì trong các năm gần đây ước tính có gần 5.000 dự án BĐS được triển khai. Thế nhưng, ngoài những dự án hoàn thành thì còn hàng nghìn dự án đang triển khai, trong số đó có nhiều dự án gặp vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý và thời gian chờ giải quyết rất lâu. Những bất cập này khiến cho việc phát triển các dự án mới gặp không ít khó khăn, nhất là trong thời gian thị trường BĐS cần sức bật sau dịch Covid-19.
Nói thêm về thị trường BĐS trong nước, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ trước khi Covid-19 bùng phát, thị trường BĐS đã "trục trặc" về khung pháp lý. Đầu tiên là khung pháp lý cho BĐS du lịch, nghỉ dưỡng chưa ổn. Cùng với đó là vấn đề về Luật Đất đai chưa được giải quyết. Ngoài ra, ông Võ cho rằng cần chú trọng yếu tố thông tin bởi nếu không có thông tin. Liên kết thông tin quản lý về BĐS vô cùng quan trọng nhưng hiện nay lại thiếu. Nhà quản lý, các nhà đầu tư không thể dự báo để bắt tay vào phát triển.
Bộ Xây dựng chuẩn bị ban hành nhiều văn bản quan trọng
Trước những vấn đề mà thị trường BĐS trong nước đang vướng mắc, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết Bộ Xây dựng đang cùng với các bộ, ngành khác tìm cách tháo gỡ bằng việc sửa Luật Đầu tư 2020 và Luật Xây dựng.
“Trong năm nay, có 2 văn bản pháp lý sẽ được ban hành. Đó là Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS và nghị định về hệ thống thông tin thị trường BĐS. Chúng tôi dự báo 2 văn bản này sẽ tác động rất lớn đến thị trường”, ông Khởi nói.
Bên cạnh đó, một số điều khoản quy định của của Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS cũng sẽ được Bộ Xây dựng sửa đổi trong cuối năm tới. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho cả người bán lẫn người mua khi hàng loạt nút thắt được gỡ bỏ, hàng trăm dự án ách tắc được "cởi trói".
“Ở góc độ nghiên cứu tham mưu, tôi cho rằng sẽ có nhiều chính sách mở thông thoáng hơn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Kinh nghiệm tôi nhận thấy trong những giai đoạn phát triển vừa qua, cứ sau khi sửa đổi luật thì thị trường BĐS chắc chắn sẽ bùng nổ”, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết.
Nhận định về những vấn đề pháp lý của BĐS, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng nếu các vấn đề pháp lý được giải quyết, nguồn cung trên thị trường sẽ tăng nhanh, thị trường BĐS vốn đang tốt sẽ ngày càng tốt hơn.
Ông Lực đưa ra các con số thống kê cụ thể như trong 9 tháng đầu năm, cho vay nhà ở của hệ thống ngân hàng tăng rất tốt, khoảng 9-10%, dư nợ khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay kinh doanh đầu tư BĐS là 700.000 tỷ đồng. Đến hết tháng 9/2021, có khoảng 1.000 doanh nghiệp BĐS trở lại làm việc và khoảng 5.400 doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới, số này đăng ký vốn khoảng 343.000 tỷ đồng, góp phần tạo ra 35.000 việc làm. Với những tín hiệu đó, thị trường BĐS cuối năm và qua đầu năm 2022 được dự báo sẽ tăng triển mạnh khi được tháo gỡ những vấn đề về pháp lý.
Dự án bất động sản nghỉ dưỡng hàng hiệu xuất hiện tại Nghệ An |
Sống “cực chất” tại khu đô thị đáng sống bậc nhất Thái Nguyên |
Khách hàng nên cẩn trọng khi “xuống tiền” tại Dự án Legacy Hill Hòa Bình? |