Sau gần 6 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa đã gặt hái được những thành công nhất định. Tính đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh có 522 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 4 sản phẩm đang đề xuất Hội đồng thẩm định Trung ương đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao, có 23 sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, trong những con số ấn tượng trên có rất nhiều sản phẩm OCOP tương đồng, giống nhau như: Nem chua, giò, mật ong…
Đạt được những kết quả trên, một phần không nhỏ nhờ hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu của Thanh Hóa đến với người tiêu dùng đã được các sở, ngành quan tâm, triển khai có hiệu quả. Nhiều chương trình đã tạo được dấu ấn và thu hút đông đảo người tiêu dùng.
Thanh Hóa đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP . |
Năm 2023, Thanh Hóa đã tổ chức thành công Hội chợ kết nối cung cầu nông sản và thực phẩm an toàn, Chợ sản phẩm OCOP dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; tham gia sự kiện xúc tiến đầu tư thương mại “Ngày Italia tại tỉnh Thanh Hoá” với các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu, tổ chức thành công Hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tại Quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa; định kỳ hàng năm tổ chức các gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch của thành phố Sầm Sơn…
Hay mới đây nhất, vào cuối tháng 7/2024, tại quảng trường biển Thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) cũng diễn ra hội Chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và ẩm thực xứ Thanh năm 2024.
Một số sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa. |
Văn phòng Điều phối nông thôn Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Thanh Hóa và các sở, ngành có liên quan đã tham mưu tổ chức nhiều đợt xúc tiến, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các siêu thị và tại một số tỉnh, thành phố như: Tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Ngày hội kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn, giới thiệu sản phẩm OCOP Thái Nguyên năm 2024; Phối hợp với Sở NN&PTNT tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh; tổ chức Liên hoan văn hóa ẩm thực xứ Thanh năm 2024 tại TP Sầm Sơn với quy mô hơn 100 gian hàng đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Thông qua các hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các chủ thể sản xuất được tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng. Qua đó, kết nối thêm các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và các đại lý trong, ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa chú trọng đầu tư, xây dựng hàng chục điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Một số địa phương còn hỗ trợ để các thành phần kinh tế xây dựng cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP như: Hoằng Hóa, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa...
Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 30 cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP và hàng chục điểm bán sản phẩm OCOP dưới dạng quà tặng, quà lưu niệm tại các khu, điểm du lịch.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển ông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, ngoài việc chủ thể OCOP làm tốt khâu sản xuất thì vai trò “tiếp thị” của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương rất quan trọng. Lãnh đạo các địa phương, các cơ quan chuyên môn không chỉ đơn thuần đứng ra tổ chức một hội chợ, một cuộc triển lãm, mà thông qua các sự kiện này cần nắm bắt tín hiệu thị trường phản ứng với các sản phẩm OCOP của địa phương. Từ đó sẽ định vị giúp người nông dân tạo ra sản phẩm OCOP theo thị yếu của người tiêu dùng. |