Ngư dân thiệt hại nặng nề sau bão số 3. |
Sáng 28/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức hội nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố sau bão.
Hỗ trợ cho nhân dân nuôi ngắn ngày như rong biển, hàu
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để sớm khôi phục sản xuất, tạo nhanh sinh kế cho người dân, địa phương cần chọn đối tượng, chuẩn bị vật tư, thức ăn, vệ sinh môi trường… để sớm đầu tư vào vụ mới, chu kỳ chăn nuôi mới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, địa phương cần huy động mọi nguồn lực để tranh thủ thời gian phục hồi sản xuất ngay. Thời tiết còn có những biến động nhất định, các dịch bệnh như tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm... còn nguy cơ rất lớn. Chính vì vậy, dịch bệnh có thể chồng chéo lên ảnh hưởng của lũ bão. Do đó, việc vệ sinh phòng bệnh, an toàn sinh học phải đặt lên hàng đầu. Đây vừa là nhiệm vụ sau bão, vừa là yêu cầu về hệ thống giải pháp trong chăn nuôi.
Tại hội nghị, ông Ngô Hùng Dũng - giám đốc Công ty CP thủy sản Tân An (Quảng Ninh) - cho biết hàng chục năm đầu tư nuôi trồng thủy sản, ông chưa thấy cơn bão nào gây thiệt hại nặng nề như bão số 3 (Yagi).
Gần 4.000 tấn hàu gần cho thu hoạch không còn con nào. Doanh nghiệp không tìm lại được gì trên biển. Hai cơ sở nuôi trong đất liền của doanh nghiệp cũng bị thiệt hại hoàn toàn.
"Thiệt hại về nuôi trồng thủy sản rất lớn rồi, nhưng để khắc phục nhanh thì chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp tạo nhanh sự hỗ trợ cho nhân dân để đưa vào đối tượng nuôi ngắn ngày nhất, đặc biệt rong biển, hàu để tạo sinh kế cho bà con có nguồn thu và phục hồi cấp bách.
Chúng ta phải lấy ngắn nuôi dài, thay vì nuôi cá mất đến 3 năm mới có thể thu hoạch thì sẽ khó khôi phục" - ông Dũng nói.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng, hướng dẫn địa phương có quy trình, hạ tầng để ứng phó với những thiên tai khắc nghiệt, điển hình như với bão giật cấp 17. Theo đó, các trang trại, lồng bè… được xây dựng ở những nơi có nguy cơ thiên tai lớn thì cần có những điều kiện, tiêu chuẩn, công nghệ… như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Thọ cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu chính sách đề xuất Chính phủ hỗ trợ bà con sau thiên tai, để bà con yên tâm khôi phục sản xuất.
Làm sạch môi trường, chuẩn bị ao đầm, lồng bè nuôi, sẵn sàng thả giống khi điều kiện cho phép
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (áo trắng) cùng ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) kiểm tra các hàng cứu trợ cho ngư dân tại Hải Phòng - Ảnh: VGP |
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, theo báo cáo sơ bộ của địa phương các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại khoảng 30.137 ha. Thiệt hại nuôi cá nước lạnh tại một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La. Ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão khoảng 6.180 tỷ đồng.
Để khôi phục sớm sản xuất, ông Trần Đình Luân đề nghị, trước mắt, các địa phương tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại các vùng bị ảnh hưởng do bão, kịp thời thông tin tới người dân về chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, đảm bảo người dân khôi phục sản xuất sớm. Địa phương kết nối các doanh nghiệp sản xuất tôm giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng hoặc hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại.
Cán bộ chuyên môn tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm sạch môi trường, chuẩn bị ao đầm, lồng bè nuôi, sẵn sàng thả giống khi điều kiện cho phép.
Về lâu dài, ông Trần Đình Luân cho rằng, địa phương cần rà soát lại các vùng nuôi tập trung và đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại và khôi phục sản xuất. Các tỉnh, thành phố tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi khép kín. Đặc biệt kiên quyết di dời các cơ sở nuôi ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường.
Cục Thủy sản liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu làm lồng bè, con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng hoặc hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại. Tính đến ngày 25/9, các mạnh thường quân, doanh nghiệp, công ty ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền và các vật tư sản xuất với số tiền tương đương trên 90 tỷ đồng, ông Trần Đình Luân thông tin.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội đã trao tặng giống, vật tư và tiền mặt cho ngành thủy sản, chăn nuôi với tổng số tiền 190 tỉ đồng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao sự vào cuộc hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Đây không chỉ là sự chia sẻ, trách nhiệm xã hội mà cũng là thị phần, thị trường của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với nỗ lực của cả toàn hệ thống chính trị, xã hội, nông nghiệp sẽ sớm vượt qua khó khăn để về đích hoàn thành các mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Hà Nội: Nông dân trồng bưởi "trắng tay" sau bão |
Chuối Tết gãy đổ la liệt sau bão số 3, nông dân Hà Nội rơi nước mắt |
Bão số 3 “thổi bay” 2.500 tỉ đồng của ngành thủy sản |