Hưng Yên: 86% số khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung Chăn nuôi hữu cơ - hướng đi mới của nông nghiệp Hưng Yên Chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Hưng Yên tăng 5,92% |
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, sở hữu công nghiệp (SHCN) đang dần khẳng định vai trò công cụ hữu hiệu để duy trì, phát triển vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp. SHCN bao gồm: Sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Mỗi năm có hàng nghìn sản phẩm, dịch vụ được cấp bằng bảo hộ SHCN. Do vậy, thông tin về SHCN luôn là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tháng 7/2022, trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ SHCN tỉnh Hưng Yên (trạm IPPlatform) được thiết lập, vận hành kết nối đồng bộ với nền tảng dữ liệu và dịch vụ SHCN của cả nước (nền tảng IPPlatform). Đây là công cụ tra cứu thông tin miễn phí giúp doanh nghiệp quản lý, tra cứu thông tin về SHCN, đồng thời cho phép cung cấp dịch vụ SHCN, kết nối các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên thị trường khoa học và công nghệ.
Sở hữu công nghiệp - công cụ đắc lực để Hưng Yên phát triển sản xuất, kinh doanh |
Từ khi trạm IPPlatform Hưng Yên được vận hành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ cá thể trong quản lý, khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ; tra cứu thông tin SHCN. Đến nay, trạm IPPlatform của tỉnh đã cung cấp hàng nghìn lượt tra cứu SHCN miễn phí và hàng trăm lượt dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về đăng ký, xác lập, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ, SHCN.
Thông tin SHCN có vai trò quan trọng trong hoạt động tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ, nó cung cấp cho doanh nghiệp các thông tin liên quan đến tình trạng kỹ thuật, pháp lý và kinh doanh về các đối tượng được cấp quyền SHCN, qua đó thúc đẩy phát triển các tài sản trí tuệ mới, công nghệ mới có tính sáng tạo, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn vào thị trường. Trong SHCN thì nhãn hiệu là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp và đây cũng là loại tài sản trí tuệ có nguy cơ bị xâm phạm nhiều nhất. Nhãn hiệu là hình ảnh, danh tiếng của doanh nghiệp trên thị trường và người tiêu dùng chủ yếu nhớ tới doanh nghiệp thông qua nhãn hiệu của sản phẩm, dịch vụ.
Theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân không được sử dụng nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ cho tổ chức, cá nhân khác khi chưa được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép. Tuy nhiên, số lượng nhãn hiệu được bảo hộ chỉ tính riêng ở thị trường Việt Nam cũng lên tới hàng triệu và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhãn hiệu có thời hạn 10 năm tính từ ngày nộp đơn đăng ký và có thể gia hạn liên tiếp, mỗi lần 10 năm. Do vậy, thông tin SHCN được công khai và dễ dàng tra cứu đã hỗ trợ doanh nghiệp tránh tạo lập nhãn hiệu trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn; xác định rõ khả năng bảo hộ của nhãn hiệu dự định đăng ký và sử dụng; tránh xâm phạm nhãn hiệu của người khác; thu thập thông tin về các hoạt động thương mại và định hướng kinh doanh đối với dòng sản phẩm, dịch vụ mới; nâng cao chất lượng của các quyết định kinh doanh.