Doanh nghiệp Việt trúng 7/12 gói thầu xuất khẩu gạo vào Indonesia. |
Thắng thầu số lượng lớn
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa công bố kết quả mở thầu gạo tháng 7 với số lượng 320.000 tấn.
Sau câu chuyện khiếu kiện ở Indonesia với hai cáo buộc liên quan đến việc thổi giá gạo Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam thắng 7 trên tổng số 12 gói thầu. Tổng số lượng gạo mà các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu là 185.000 tấn.
Trong số này Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD 1) trúng thầu nhiều nhất với 4 lô với số lượng 104.000 tấn.
Có 3 đơn vị khác trúng mỗi đơn vị 1 lô thầu 27.000 tấn gồm: Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD 2), Công ty cổ phần quốc tế Gia, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Vi. Đây là những đơn vị sử dụng gạo có nguồn gốc Việt Nam.
Ngoài ra Công ty Mekong Food của Việt Nam cũng trúng thầu 27.000 tấn nhưng sử dụng nguồn gạo từ Myanmar. Bên cạnh đó, 3 lô gạo còn lại chiến thắng cũng thuộc về doanh nghiệp từ Myanmar. Có 1 lô không thành công sẽ phải mở thầu lại.
Các doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể như VINAFOOD 1 chào giá gạo từ 567,5 - 577,5 USD/tấn, VINAFOOD 2 chào từ 579,5 - 598 USD/tấn. Các doanh nghiệp Thái Lan và Pakistan cũng tham gia thầu nhưng đều không trúng do giá chào khá cao từ 584 - 592 USD/tấn.
Theo chuyên trang thị trường lúa gạo Ssricenews, giá trúng thầu lần này giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar đồng mức là 563 USD/tấn, cao hơn giá gạo 5% tấm mà Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) công bố hiện nay là 559 USD/tấn trong và tương đương với giá trúng thầu hồi tháng 5. Chỉ có điều, giá gạo thời điểm đó lên tới 587 USD/tấn, nghĩa là giá trúng thầu thấp hơn 28 USD.
Liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu với giá rất thấp so với mặt bằng chung của các nước tham gia và so với giá thị trường nói chung nên trước đợt mở thầu gạo lần này Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các thương nhân xuất khẩu gạo yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới và giữ vị thế của gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia.
Việc các doanh nghiệp trúng thầu thời điểm này được kỳ vọng sẽ kéo giá lúa gạo trong nước lên vì theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của các nước tuần này vẫn đang tiếp tục trầm lắng do thiếu vắng nhu cầu; cũng như phụ thuộc vào lượng gạo Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) nhập khẩu thêm và các quyết định liên quan đến lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam hiện đang ở mức 559 USD/tấn; gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan ở mức 563 USD/tấn và gạo của Pakistan là 566 USD/tấn.
Cơ hội nào cho xuất khẩu gạo Việt Nam nửa cuối năm?
Thu mua lúa gạo trên cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu tại An Giang. Ảnh: Công Mạo |
Mới đây, đại diện lãnh đạo một tập đoàn xuất khẩu gạo lớn ở Việt Nam cho rằng: Cơ quan hậu cần quốc gia - Bulog (cơ quan được phân giao thu mua gạo thầu quốc tế của Chính phủ) và Cơ quan lương thực quốc gia Indonesia bị khiếu kiện, xuất khẩu gạo Việt Nam đến cuối năm sang thị trường Indonesia có khả năng sẽ bất lợi. Tuy nhiên - tiềm năng còn nhiều ở thị trường truyền thống, thị trường mới nổi nên cơ hội còn rất lớn.
Indonesia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của gạo Việt Nam trong gần nửa năm nay. Năm 2023 - Việt Nam xuất sang thị trường này 1,18 triệu tấn gạo nhưng hiện vẫn thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Dự báo nhu cầu nhập gạo năm nay sẽ tăng lên 5,18 triệu tấn trong cả năm 2024 thay vì 3,6 triệu tấn như tính toán hồi đầu năm.
Ngoài Indonesia, Philippines cũng tăng lượng gạo nhập khẩu năm 2024, có thể đạt tới trên 4 triệu tấn, thậm chí tới 4,5 triệu tấn, cao hơn con số dự báo trước đây.
Philippines gia tăng nhập khẩu gạo, đồng nghĩa với việc các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2024, trong khi ở đây gạo Việt Nam chiếm tới 85% thị phần gạo nhập khẩu.
Trước đây - trung bình mỗi tháng Philippines phải nhập khẩu 350.000 tấn gạo, thì nay phải tăng lên tới 400.000 tấn mới đáp ứng đủ nhu cầu.
“Ấn Độ đang xem xét nới lỏng xuất khẩu gạo nhằm mang lại lợi ích cho người mua thế giới; giá gạo chuẩn ở châu Á sẽ hạ nhiệt. Các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam cũng chuyển hướng mở rộng sang các thị trường mới như châu Phi và Trung Đông", VFA nhận định,
Thị trường chủ lực mua gạo Việt trong những tháng cuối năm vẫn là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore...
Theo các doanh nghiệp so với các nguồn cung khác thì Việt Nam có lợi thế về địa lý nên cước phí vận chuyển thấp, thời gian giao hàng ngắn; chất lượng và giá gạo Việt Nam rất phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường nên cơ hội bật tăng nhìn chung không khó.
Indonesia tăng lượng đấu thầu, gạo Việt có cơ hội sau lùm xùm giá? |
Cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm còn rất lớn |
Chiếm thị phần lớn tại Singapore, gạo Việt có cơ hội chinh phục các thị trường khó tính? |