Hiện diện tích trồng sầu riêng của Đắk Lắk chủ yếu xen canh, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc xây dựng mã vùng trồng xuất khẩu. |
Diện tích sầu riêng được cấp mã số còn khiêm tốn
Theo ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Đắk Lắk, sẽ có khoảng 9.000 hecta sầu riêng ở tỉnh sẽ bước vào thu hoạch từ tháng 8 tới. Trong đó, tỉnh mới cấp được 63 mã số vùng trồng, tổng diện tích khoảng 2.000 hecta.
Yêu cầu đặt ra đối với các vùng sầu riêng được xem xét cấp mã là phải liền khoảnh với diện tích từ 10 hecta trở lên, không trồng xen các loại cây ăn trái khác, đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Tuy nhiên, do sầu riêng ở Đắk Lắk sản xuất phân tán, xen canh nhiều loại cây trồng, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa đảm bảo minh bạch về pháp lý, tình trạng xâm canh gây khó cho việc xác định vùng trồng chính chủ… đang cản trở tiến độ cấp mã số.
9.000 hecta sầu riêng của Đắk Lắk sẽ được thu hoạch từ tháng 8 tới, đa số chưa được cấp mã số vùng trồng. |
Từ tháng 3/2023 đến nay, đã có 40 bộ hồ sơ của 40 vùng trồng sầu riêng xin cấp mã… bị ách tắc vì những lý do trên. Điều này sẽ gây khó khăn cho các nhà vườn khi không được cấp mã số cũng có nghĩa trái sầu riêng sẽ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Để đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao nhiệm vụ kiểm tra, thẩm định vùng trồng cho các phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn cấp huyện; giao Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức tập huấn tăng cường cho tất cả các cán bộ đầu mối về công tác này.
Nâng tầm vai trò của hiệp hội sầu riêng
Nhận thức được tầm quan trọng của việc cấp mã số, quản lý và duy trì mã số vùng trồng sầu riêng, trước đó tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Hiệp hội sầu riêng. Người trồng sầu riêng kỳ vọng sẽ đóng vai 'trọng tài, chỉ huy' thống nhất ngành sầu riêng, nhất là việc cấp, quản lý, duy trì mã vùng trồng.
Mới đây, việc UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định thành lập Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk đã khiến nhiều HTX, doanh nghiệp kỳ vọng tổ chức này sẽ gắn kết, giúp ngành hàng này phát triển, đặc biệt trước mắt là thúc đẩy việc xây dựng, quản lý và duy trì mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Lập Đông cho biết, khi cấp mã vùng trồng, đơn vị đã liên kết với một doanh nghiệp để thu mua sầu riêng cho các thành viên. Tuy nhiên, đến gần thời điểm thu hoạch, một số công ty đã liên hệ trực tiếp với thành viên HTX đưa ra giá cao hơn khiến người dân muốn... "đòi lại" mã vùng trồng để tự mua bán!
Theo ông Chiến, việc này khiến cho mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp bị đứt. “Hiệp hội sầu riêng ra đời cần có giải pháp điều tiết làm sao để giá sầu riêng ổn định. Tránh trường hợp nhiều doanh nghiệp chịu lỗ 1 - 2 tỷ đồng để mua sản phẩm với giá cao nhằm khẳng định uy tín cũng như lôi kéo nông dân.
Người trồng sầu riêng kỳ vọng chính quyền địa phương và Hiệp hội sầu riêng sẽ có giải pháp hiệu quả nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng sầu riêng. |
Ngoài ra, cần có phương án quản lý, xây dựng mã vùng trồng như thế nào để sản phẩm đưa ra thị trường chất lượng đồng nhất. Hiện nay, việc xây dựng mã vùng trồng diễn ra ồ ạt, tập trung đăng ký nhưng không quản lý được, thậm chí có nơi đăng ký mang tính phong trào, không có nhu cầu hoặc không có định hướng xuất khẩu cũng đăng ký mã số vùng trồng rồi để đó chứ không thực chất hướng tới xuất khẩu. Người dân, doanh nghiệp chỉ mới tập trung đăng ký mã vùng trồng, còn việc duy trì các quy định kỹ thuật về vùng trồng, về chất lượng sản phẩm ra sao sau khi được cấp mã vẫn còn bỏ ngõ.
"Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ra đời nếu giải quyết được các vấn đề này thì tôi nghĩ ngành sầu riêng Đắk Lắk sẽ phát triển”, ông Chiến nói.
Việc thành lập Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk với vai trò cầu nối sẽ góp phần nâng tầm trái sầu riền của tỉnh. Trước mắt sẽ đồng hành với địa phương tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong việc cấp mã số vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói.
Theo ông Lê Văn Thành - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Đắk Lắk cho biết, cùng với sầu riêng, Đắk Lắk có kế hoạch cấp mã số vùng trồng cho tất cả các loại nông sản thế mạnh nên việc tập huấn về thiết lập, cấp-quản lý mã số vùng trồng sẽ được tiến hành khẩn trương.
“Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật được giao làm cơ quan đầu mối cấp mã số vùng trồng, chúng tôi đã mời Cục Bảo vệ thực vật vào để tổ chức tập huấn thật cụ thể, chi tiết cho các cán bộ đầu mối của cấp huyện. Các cán bộ của liên minh hợp tác xã, cán bộ của trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục phát triển nông thôn… tất cả các cơ quan có liên quan. Đến 9/6 này sẽ tổ chức tập huấn tại thành phố Buôn Ma Thuột về mã số vùng trồng để tiếp tục triển khai xuống cơ sở”, ông Lê Văn Thành thông tin./.