Hiện nay dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ tại Phú Yên đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh năm 2020 ước đạt 2.800 ha; trong đó, nuôi tôm nước lợ khoảng 1.900 ha, sản lượng ước đạt 9.500 tấn. Toàn tỉnh cũng có 15 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ.
Tuy nhiên hiện nay dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ tại Phú Yên đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, từ đầu năm 2020 đến nay, có gần 90 ha tôm nuôi nước lợ (tôm thẻ chân trắng, sú) bị bệnh; trong đó, nhiều nhất là tại huyện Đông Hòa 55ha, Tuy An 31,5ha…chiếm khoảng 10% diện tích thả nuôi và tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Bệnh gây hại trên tôm nuôi chủ yếu là bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và tôm bị bệnh do môi trường nuôi không đảm bảo. Phần lớn bệnh xảy ra ở vùng nuôi có diện tích lớn, một số diện tích bệnh người nuôi không báo cáo, tự xử lý, do vậy nguy cơ lây lan bệnh cao.
Trước những diễn biến phức tạp trên vùng tôm nuôi, UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tổ chức, giám sát, lấy mẫu quan trắc, cảnh báo môi trường, xét nghiệm mầm bệnh, phát hiện sớm ổ dịch, cảnh báo kịp thời cho người nuôi trồng thủy sản; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người nuôi tuân thủ thả giống theo lịch thời vụ, chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, phòng bệnh, khuyến khích xây dựng chuỗi sản xuất, cơ sở, vùng an toàn dịch động vật theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã ven biển phối hợp với các cơ quan chức năng truyền tải thông tin quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh đến người nuôi trồng thủy sản, vận động người nuôi khai báo kịp thời khi phát hiện dịch bệnh xảy ra trên thủy sản nuôi, sử dụng hóa chất xử lý môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, ngăn ngừa khống chế dịch bệnh.
UBND tỉnh Phú Yên cũng giao Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu thủy sản, sản phẩm thủy sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kiên quyết xử lý các hành vi kinh doanh vận chuyển trái phép.
Để ngăn chặn dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phân bổ 21 tấn hóa chất Sodium Chloritecho 20% cho các địa phương sát trùng vùng nuôi.
Người dân cũng cần lưu ý khi nuôi tôm thời điểm giao mùa
Ngoài việc dịch bệnh phát triển trên tôm, người dân cũng cần lưu ý khi nuôi tôm thời điểm giao mùa.
Hiện nay là thời điểm giao mùa nên thường xuyên xuất hiện mưa lớn, giông lốc, biên độ dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm rất cao làm cho môi trường nước ao nuôi tôm luôn biến động. Để giảm thiểu rủi ro, người nuôi tôm cần chú ý một số việc sau:
Trong quá trình nuôi: Đảm bảo mực nước trong ao luôn duy trì từ 1,8-2m, chạy sục khí, quạt nước đảm bảo ôxy trong nước đạt trên 4mg/l. Duy trì môi trường nước ao ổn định đảm bảo pH 7,0-8,2, độ kiềm từ 120-180mg/l, độ mặn trong khoảng 15-20‰. Định kỳ 5-7 ngày bổ sung men vi sinh có gốc bacillus để ổn định môi trường ao nuôi. Thức ăn cho tôm đảm bảo chất lượng, ngoài ra bổ sung thêm các loại men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, khoáng vi lượng và một số vitamin C, B1 cần thiết để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.
Khi gặp thời tiết bất lợi: Khi gặp mưa to, giông bão, nhiệt độ giảm thấp… cần tăng thời gian chạy sục khí, quạt nước. Dừng hoặc giảm lượng thức ăn cho tôm ăn so với các bữa ăn trước. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe, khả năng bắt mồi của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Bờ ao cao và chắc chắn đảm bảo nước mưa từ trên bờ không chảy xuống ao gây đục và ô nhiễm nước ao. Ngoài ra cần bổ sung thêm khoáng dolomite và vôi CaO té đều khắp mặt ao để duy trì pH 7,0-8,2, độ kiềm từ 120-180mg/l, độ mặn trong khoảng 15-20‰. Khi thời tiết, môi trường nước ao nuôi ổn định tiến hành cho tôm ăn lại bình thường theo nhu cầu của tôm.
Hồng Nga