Sản xuất giống cây trồng vật nuôi còn nhiều hạn chế
Sản xuất giống còn chưa đáp ứng được yêu cầu
Thực tế thời gian qua cho thấy, khoa học công nghệ về giống cũng như thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi ở Việt Nam còn hạn chế... Trong đó, sản xuất giống lúa trên cả nước mới đáp ứng được 80% nhu cầu, ngô 40%, rau quả 20%, còn lại là nhập khẩu. Chỉ tính riêng giống cây trồng, trung bình mỗi năm Việt Nam phải chi 500-700 triệu USD để nhập khẩu, trong đó có tới 80% giống rau, giống hoa. Đối với giống vật nuôi (lợn và gia cầm), mỗi năm Việt Nam chi 126-130 tỷ USD để nhập khẩu.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà cho biết, hiện nay, 90% giống cây trồng hợp tác xã đang sử dụng phải nhập khẩu. Lý do, giống cây trồng trong nước chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi đơn vị không đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính để tự sản xuất giống.
Còn về giống vật nuôi, việc quản lý, nuôi giữ đàn giống gốc, nhất là các loại giống vật nuôi bản địa cũng như hoàn thiện hệ thống giống, chưa đạt yêu cầu đề ra, nên ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất giống.
Có thể thấy, nguyên nhân khiến việc sản xuất giống chưa đáp ứng yêu cầu là do một số tập thể, cá nhân đã nhập công nghệ sản xuất giống, cho ra đời một số bộ giống tốt, song việc mua bản quyền giống mới diễn ra khá chậm. Mặt khác, việc đào tạo, tập huấn, kiểm soát chất lượng giống ở cả trung ương và địa phương chưa được quan tâm đúng mức, dẫn tới giống sản xuất trong nước luôn "thua" giống nhập khẩu cả về chất lượng và giá cả...
Do còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, công nghệ nên các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chủ yếu nhập khẩu giống cây trồng về đóng gói hoặc sản xuất gia công hạt giống để kinh doanh, chưa chú trọng nghiên cứu, lai tạo giống mới.
Giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa sản xuất giống cây trồng vật nuôi
Do vậy, để sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngày 28-5-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 703/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh công nghiệp hóa sản xuất giống
Theo như Quyết đinh này, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, mở rộng lưu giữ khoảng 45 - 52 nghìn nguồn gen cây trồng, vật nuôi; đánh giá và khai thác nguồn gen nhằm phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống; nghiên cứu đưa vào sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu cao với sâu và bệnh hại, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; xuất khẩu một số giống cây trồng, vật nuôi sang thị trường các nước.
Trong đó, về phát triển khoa học công nghệ về giống, nhiệm vụ đặt ra là thu thập bảo tồn, lưu giữ, đánh giá, tư liệu hóa, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn gen cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực quản lý đàn giống gốc vật nuôi; nuôi giữ đàn giống gốc, ưu tiên các giống vật nuôi bản địa; nâng cao năng suất, chất lượng đàn giống gốc; nhập nội các giống có tiềm năng di truyền cao, tiên tiến; củng cố và hoàn thiện hệ thống giống hình tháp.
Cần chọn tạo và phát triển các giống cây lương thực mới năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận; cải tiến tính trạng các giống cây ăn quả chủ lực; giống cây công nghiệp năng suất, chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu; giống rau mới phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh, giống thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về phát triển sản xuất giống, nhiệm vụ đặt ra là nhập nội, mua bản quyền giống mới; bình tuyển cây đầu dòng, chọn lọc cây trội; xây dựng và chăm sóc vườn cây đầu dòng, rừng giống, vườn giống; sản xuất giống các cấp; bảo quản, chế biến hạt giống theo hướng công nghiệp; nhập công nghệ sản xuất giống, hoàn thiện công nghệ sản xuất giống; đào tạo, tập huấn; kiểm soát chất lượng giống...
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Vũ Văn Việt, để thực hiện được mục tiêu chương trình đề ra, Nhà nước cần đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị cho các cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi ở cả trung ương và địa phương. Từ đó, từng bước công nghiệp hóa việc sản xuất giống cây trồng, vật nuôi...
Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống, đặc biệt là nhân giống cấp xác nhận (hoặc tương đương), đáp ứng yêu cầu giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất.
Khánh Hòa