Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những bài tham luận đánh giá về hiện trạng rừng trồng và khai thác tre tại Việt Nam, tiềm năng của cây tre, giá trị các sản phẩm làm từ tre, nứa của Việt Nam được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao, bởi mẫu mã đẹp, chất lượng bền, tốt, phù hợp với mọi điều kiện khí hậu.
Trong những năm qua, ngành sản xuất tre Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành tre là khoảng 350 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, ngành Tre Việt Nam hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Nước ta có khoảng 1,4 triệu ha rừng trồng tre
Tre được phân bổ rộng khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam, có 37 tỉnh có rừng tre tập trung nhưng chỉ có 23 tỉnh có diện tích lớn hơn 10.000 ha.
Hiện cả nước có khoảng hơn 5 triệu người dân sống phụ thuộc vào cây tre; Thu nhâp từ cây tre chiếm hơn 30% tổng thu nhập của nông dân; Hơn 70% diện tích tre thuộc sở hữu của người dân, cộng đồng và các công ty lâm nghiệp.
Cây tre có những đóng góp lớn về mặt kinh tế, xã hội. Cùng với việc cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm xuất khẩu, tre là nguồn thu nhập quan trọng cho kinh tế hộ gia đình, đáp ứng các khoản chi tiêu hàng ngày cũng như góp phần giảm đói nghèo. Tiêu thụ hàng năm ước đạt 4 -5 triệu tấn tre cho các mục đích khác nhau. Giá trị xuất khẩu khoảng 200 -300 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, ngành Tre đang đối diện không ít thách thức. Cụ thể như: cộng đồng và dân cư chưa có nhận thức cao về vai trò của tre; Quy hoạch sản xuất tự phát và phân tán. Các cơ sở sơ chế/chế biến phân tán, nhỏ lẻ không gắn với khu vực có tài nguyên; công nghệ và thiết bị lạc hậu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp. Làng nghề thủ công mây tre đan có số lượng lớn nhưng vẫn còn ít so với các ngành khác (1.000 làng nghề thủ công). Hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ. Hơn 80% doanh nghiệp không đủ khả năng đầu tư vào công nghệ mới và mở rộng sản xuất.
Các sản phẩm được làm từ tre có giá trị và mẫu mã đẹp được thị trường ưa chuộng
Do vậy, muốn tăng giá trị của cây tre và các sản phẩm được làm từ tre phải tăng diện tích trồng tre năm 2020 lên 29.982 ha, sản lượng khai thác 40 triệu cây/năm tương đương 0,92 triệu tấn/năm; Năm 2030, 57.000 ha, sản lượng khai thác 76 triệu cây/năm tương đương 1,75 triệu tấn luồng/năm.
Theo đó, phát triển nhà máy chế biến tre, luồng công nghiệp gắn với việc phát triển doanh nghiệp vệ tinh cấp nguyên liệu thô, đến năm 2020 phải có 5 nhà máy sản xuất tre công nghiệp, với công suất 350.000 tấn tre công nghiệp/năm và 100 doanh nghiệp vệ tinh cung cấp nguyên liệu thô, doanh thu đạt khoảng 3.500 – 4.000 tỷ/năm; Đến năm 2030: 10 nhà máy sản xuất tre luồng, tổng công suất 700.000 tấn sản phẩm/năm và hệ thống 180 – 200 doanh nghiệp vệ tinh, doanh thu đạt 9.000 – 10.000 tỷ/năm.
Vấn đề tín dụng cho các hộ gia đình trồng tre, theo ThS. Phạm Xuân Hòe, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay các hộ dân trồng tre đang vay vốn NHCSXH với tỷ trọng 48,65%, Ngân hàng Agribank là 21,62%. Lãi suất cho vay đối với hộ sản xuất phổ biến: 8-10%/năm, quy mô trung bình khoản tiền vay của các hộ trồng tre là 50-70 triệu đồng, trong thời hạn vay: 3-5 năm.
Theo ý kiến của người dân trồng tre, nếu được vay theo chuỗi giá trị tre, nghĩa là vay ở từng giai đoạn gồm đầu vào; sản xuất; phân phối; chế biến; tiêu thụ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Bởi vì việc tham gia chuỗi giá trị tre sẽ mang lại lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp nhiều hơn so với không tham gia liên kết
Đánh giá về vai trò quan trọng và giá trị kinh tế cao từ cây tre mang lại, đại diện Tổng Cục Lâm nghiệp đề nghị các địa phương, các nhà khoa học, đặc biệt các doanh nghiệp có chương trình, dự án phát triển rừng trồng tre, khai thác, chế biến và sản xuất các sản phẩm từ tre, nâng cao giá trị cây tre, tạo nguồn thu nhập cho ngân sách Nhà nước, cho doanh nghiệp và cho nhân dân trồng rừng, không ngừng được cải thiện và nâng lên.
Khánh Hòa