Chim bồ câu Pháp có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ |
Bồ câu Pháp hoàn toàn giống bồ câu nhà chỉ khác chúng có xuất xứ từ nước Pháp. Trải qua nhiều thử nghiệm phối giống và lai tạo bằng kỹ thuật hiện đại đã cho ra đời loài bồ câu thịt có kích thước cơ thể vô cùng lớn.
Ngoài ra, chim có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ nên thường mang lại hiệu quả chăn nuôi cao cho chủ đầu tư. Thực tế ghi nhận có rất nhiều người nuôi bồ câu thành công nhờ chịu khó đầu tư tìm hiểu kinh nghiệm chăm sóc.
Trong bối cảnh chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn tăng mạnh, người chăn nuôi bỏ chuồng nhiều thì mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm của thanh niên Vũ Văn Tài, xóm 5 Hồng Thắng, xã Yên Mạc (Yên Mô) đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro.
Sau nhiều năm đi làm thuê, bỏ công sức nhiều mà thu nhập không tương xứng, anh Tài luôn ấp ủ dự định tự đứng lên làm chủ. Nói là làm, năm 2018, anh quyết định vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế. Qua tìm hiểu, anh Tài ấn tượng với mô hình nuôi chim bồ câu lai Pháp, vì anh cho rằng thị trường thời điểm đó chuộng thịt chim câu.
Từ việc nuôi chim bồ câu làm cảnh, nhiều hộ dân bắt đầu chuyển sang nuôi chim bồ câu lấy thịt cung ứng cho các nhà hàng, quán ăn. Sau đó, anh đã tự tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật nuôi giống bồ câu lai Pháp qua sách báo, internet, qua các hội nhóm chim câu và đi tham quan những mô hình đã thành công ở một số tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Thanh Hóa…
Ban đầu, khi chưa có nhiều kinh nghiệm, anh Tài bắt đầu nuôi với hơn 100 đôi chim, kết hợp nuôi ngan, gà, vịt và ao cá để đánh giá hiệu quả của từng loại vật nuôi.
Qua quá trình nuôi thử nghiệm, thấy bồ câu lai Pháp dễ nuôi, nhanh lớn, ít dịch bệnh, thức ăn đơn giản, nhu cầu thị trường cao, lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc. Anh quyết định nuôi bồ câu làm chủ lực, xây dựng 2 khu chuồng trại, đầu tư lồng ghép chim, nhân số lượng lên gấp 10 lần.
Mô hình nuôi chim bồ câu lai Pháp của anh Vũ Văn Tài mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Anh Tài cho biết, một trong những khâu quan trọng của nuôi bồ câu là chọn giống chim bố mẹ và chăm cho đến khi chúng sinh sản được. Con giống được lựa chọn phải khỏe mạnh, lông mượt, nhanh nhẹn và không có dị tật.
Ngoài ra, chuồng trại cũng phải được đầu tư kiên cố, ngăn thành từng dãy lồng, mỗi dãy lồng lại được chia thành từng ngăn để nuôi từng loại chim bố mẹ, có hệ thống cấp nước uống tự động cho chim, có quạt thông gió đảm bảo chuồng trại luôn thoáng mát và hệ thống tưới mái tự động, làm mát vào mùa hè.
Quá trình nuôi và chăm sóc chim câu tương đối đơn giản, từ lúc chim nở đến lúc sinh sản khoảng 5 đến 6 tháng. Khoảng 30- 35 ngày chim đẻ 1 lần, mỗi lần 2 trứng. Chim bồ câu bố mẹ sẽ chăm con non bằng cách mớm thức ăn cho đến tận khi chim con được xuất bán.
Trứng chim câu ấp khoảng 18 ngày thì nở và chỉ sau khoảng 10 ngày nuôi con, chim mẹ tiếp tục đẻ lứa tiếp theo. Để rút ngắn quá trình ấp ứng của chim bố mẹ và tăng sản lượng đẻ trứng, anh Tài đã ứng dụng phương pháp ấp trứng bằng máy ấp, rút thời gian ấp của chim xuống còn 14 ngày. Thông thường, mỗi năm một cặp chim bố mẹ sẽ cho từ 10- 12 cặp chim con.
Vì các lứa chim đẻ xen kẽ liên tục nên anh Tài cũng xuất bán được hàng ngày. Với 1.000 đôi chim bố mẹ, mỗi ngày trung bình anh Tài xuất bán cho thương lái khoảng 40 con, mỗi tháng đưa vào thị trường hơn 1.200 chim thương phẩm, chưa kể các đơn hàng nhà hàng, đám cưới phải đặt trước mới có hàng. Thu nhập bình quân một tháng sau khi trừ chi phí, anh Tài "bỏ túi" khoảng 30 triệu đồng.
Anh cho biết thêm, thời điểm gần đây, giá thức ăn tăng cao gần như gấp đôi nên nhiều trại chim đã bỏ đàn vì không thể bám trụ với nghề.
Trước đây trong xã có khoảng 4 nhà nuôi, toàn huyện Yên Mô có từ 12- 15 nhà nuôi, hiện số lượng chuồng trại đã giảm mạnh, ở Yên Mạc chỉ còn anh theo đuổi nghề, trong huyện chỉ còn 4- 5 nhà nuôi.
Bên cạnh đó, giá cám tăng nên ảnh hưởng khá lớn đến thu nhập, tuy nhiên anh Tài so sánh với nuôi gà thì nuôi chim câu thương phẩm thu lãi gấp 5 lần nuôi gà. Trong khi đó, gà mất nhiều thời gian mới xuất chuồng, phải tiêm nhiều loại vắc xin, dễ mắc bệnh, giá cả không ổn định, nếu nuôi số lượng lớn thì cần lượng nhân công tương đối để duy trì hoạt động sản xuất.
Hiện nay, sau thời điểm gián đoạn do dịch COVID- 19, các nhà hàng, quán ăn hoạt động trở lại thì thịt chim bồ câu rất được ưa chuộng. Do đây nguồn thực phẩm bổ dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: nấu cháo, tiềm, quay... nhất là để bồi bổ cho trẻ em, người bệnh. Nhu cầu cao, nhà nuôi ít nên chim bồ câu thương phẩm thường xuyên khan hàng, nhiều lúc không đủ số lượng cung cấp, vì thế hiện giá chim đã tăng 20- 30% so với trước.
Mô hình nuôi chim bồ câu nhốt chuồng của gia đình anh Vũ Văn Tuân |
Anh Vũ Văn Tuân, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cũng có thu nhập cao nhờ nuôi chim bồ câu Pháp.
Sinh ra và lớn lên vùng quê thuần nông, nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp. Đầu năm 2019, được sự tư vấn, hướng dẫn của Hội Nông dân xã Sông Khoai, anh Tuân mạnh dạn vay 800 triệu đồng từ Ngân hàng Agribank để bắt đầu xây dựng chuồng trại nuôi chim trên diện tích đất 300m2 với quy mô công nghiệp, anh Tuân cho biết: Để nuôi chim bồ câu thực sự hiệu quả thì khâu chọn giống là quan trọng nhất. Con giống được lựa chọn phải khỏe mạnh, lông mượt, nhanh nhẹn và không có dị tật.
Để bảo đảm điều kiện cho đàn chim sinh trưởng, phát triển tốt, ngoài việc chú trọng các đợt uống vắc-xin phòng bệnh, anh còn sử dụng các loại men vi sinh trộn lẫn vào thức ăn, nước uống hoặc rắc vôi, phun khử trùng tại khu chuồng trại để giảm mùi hôi thối, tăng sức đề kháng của vật nuôi. Anh Tuân cho rằng: So với các giống chim bồ câu khác, giống bồ câu lai Pháp có khả năng sinh sản đều và cao.
Để trứng đạt tỷ lệ nở cao, anh Tuân đã đầu tư máy ấp trứng và chủ động được nguồn giống an toàn. Mỗi con bồ câu mái sau 4- 5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau 10 - 15 ngày chim mái sinh sản lứa tiếp theo; trung bình mỗi cặp chim giống đẻ từ 8- 10 lứa/năm. Sau thời gian ấp trứng, chim con được chim bố mẹ chăm sóc tại chuồng, đến ngày thứ 30, khi đạt đủ cân nặng thì có thể xuất chuồng.
Bằng sự kiên trì, ham học hỏi của mình, từ những đôi chim giống ban đầu, đến nay, trang trại nuôi chim bồ câu của anh đã có 1.000 đôi. Giá chim giống non là 200.000đ/đôi, chim bố mẹ từ 400.000 đến 500.000đ/đôi. Bình quân mỗi năm, gia đình anh Vũ Văn Tuân xuất ra thị trường khoảng 12.000 đôi chim bồ câu giống và thương phẩm, sau khi trừ chi phí (mỗi ngày tiền thức ăn cho chim tốn khoảng 80kg chi phí gần 1 triệu đồng), gia đình anh thu lãi trên 250 triệu đồng một năm.
Với kinh nghiệm 2 năm nuôi chim bồ câu, giờ đây anh Tuân có thể hoàn toàn chủ động về kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim bồ câu. Tuy nhiên, anh vẫn không ngừng học hỏi, tiếp thu những tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào thực tiễn, hàng năm anh thường xuyên nghiên cứu về kỹ thuật chăn nuôi nói chung và nuôi chim bồ câu nói riêng.
Theo anh, với quy mô đàn của gia đình hiện nay chưa đủ cung ứng chim thương phẩm cho các thương lái và chim giống cho các hộ chăn nuôi nên anh dự định thời gian tới sẽ mở rộng quy mô đàn lên khoảng 2.000 đôi.