Trại cút lớn nhất Việt Nam của anh Phạm Văn Thịnh hiện đang nuôi 450 nghìn con chim cút. |
30 năm gắn bó với chim cút lập nên trại lớn nhất Việt Nam
Chủ trại cút lớn nhất Việt Nam là anh Phạm Văn Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Vương Gia Hưng Thịnh (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa). Tuy chỉ hơn 40 tuổi nhưng anh tự hào vì có gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi chim cút lấy trứng. Anh cho biết, từ hồi học tiểu học đã phụ anh trai trông nom trại nuôi chim cút. Đến khi học lớp 7, anh đã tự nuôi đàn chim cút đầu tiên với quy mô 5 nghìn con rồi thành cái nghiệp gắn bó đến nay.
Anh Thịnh nhớ lại, P.Hố Nai xưa từng hình thành làng nuôi chim cút sớm với số hộ nuôi và tổng đàn đứng đầu tỉnh. Gia đình anh Thịnh thuộc lớp nông dân đầu tiên đầu tư trại cút ở địa phương. Vì mê cái nghề này nên từ khi còn là học sinh, anh đã tự chịu trách nhiệm mọi khâu, từ đi mua nguyên liệu về xay, trộn thức ăn, rửa từng máng ăn cho đến dọn chuồng. Anh Thịnh đã trải qua cả hành trình dài học và trả giá để có thể trở thành chuyên gia trong nghề nuôi chim cút.
Khó khăn nhất là đợt dịch cúm gia cầm xảy ra vào năm 2003 khiến nhiều nông dân mất trắng trại cút. Sau đó, theo quy định mới, các trại chăn nuôi phải di dời ra khỏi địa bàn dân cư. Thời điểm đó, rất nhiều nông dân nuôi chim cút lâu năm ở vùng này bỏ nghề vì vấp phải nhiều khó khăn, anh Thịnh lại kiên trì tìm vùng đất mới để khôi phục trại nuôi chim cút.
40 tuổi đời nhưng 30 năm gắn bó với chim cút, anh Thịnh từng nếm trải bao nỗi thăng trầm. |
Anh dời trại về xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) với quy mô đàn chỉ còn khoảng 30-40 nghìn con, nhỏ hơn rất nhiều so với đàn nuôi anh đã gầy dựng được trước đó, nhưng anh lại tự đặt ra bài toán phải tìm giải pháp nuôi chim cút an toàn dịch bệnh bằng hệ thống chuồng lạnh, khép kín.
Anh kiên trì suốt 5 năm để hoàn thiện hệ thống nuôi chim cút trại lạnh, khép kín đảm bảo an toàn dịch bệnh và gây dựng tổng đàn cút lên quy mô khoảng 200 nghìn con. Khi hoàn chỉnh được quy trình nuôi cút công nghiệp trong hệ thống chuồng lạnh, anh lại quyết định di dời trại nuôi lần thứ 3 về khu vực trại nuôi có diện tích rộng khoảng 3,5ha tại xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) như ngày nay.
Anh lại mất thêm 7 năm đầu tư hệ thống trại mới, nâng dần tổng đàn lên quy mô 450 nghìn con, là trang trại có tổng đàn cút lớn nhất Việt Nam với hệ thống chuồng lạnh, khép kín. Ngoài ra, anh còn hợp tác với các hộ, cơ sở nuôi chim cút trên địa bàn tỉnh, trung bình bao tiêu được 750 nghìn trứng cút/ngày.
Bí quyết để chiến thắng từ trứng cút ăn liền xuất khẩu
Anh Thịnh chia sẻ: “Làm nông dân rồi mở DN chế biến đã luyện cho tôi đức tính kiên trì, nhất là khi làm việc với đối tác Nhật Bản. Vì chỉ một chi tiết nhỏ như xử lý để quả trứng ăn liền khi cắt ra lớp ngoài cùng của phần lòng đỏ trứng không bị sẫm màu hơn, tôi mất cả năm trời nghiên cứu giải pháp xử lý”.
Suốt hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi chim cút cũng là hành trình anh Thịnh kiên trì không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm. Anh tự mày mò nghiên cứu ra công thức chế biến thức ăn cho chim cút không có chất kháng sinh để đặt hàng trực tiếp từ nhà máy; cải tiến, thiết kế chuyển hệ thống lồng nuôi chim cút từ lồng gỗ sang lồng sắt và inox, đến hoàn thiện hệ thống chuồng trại lạnh nuôi chim cút đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Bản thân anh Thịnh có cả kho “kiến thức vàng” trong nghề nuôi chim cút, trở thành chuyên gia hướng dẫn cho những trại nuôi mới từ kỹ thuật thiết kế chuồng trại, cung cấp nguồn thức ăn chăn nuôi, quy trình làm giống đến khâu chăm sóc. Tuy tập trung rất nhiều tâm huyết đầu tư vào chăn nuôi nhưng anh Thịnh không xem nhẹ việc đầu tư, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của trang trại.
Anh Thịnh tự hào với sản phẩm trứng cút ăn liền được xuất khẩu sang Nhật Bản. |
Anh Thịnh so sánh: “Nuôi được con chim cút đã khó, nhưng bán được sản phẩm mình làm ra càng khó hơn. Có những thời điểm nhiều trại phá sản, bỏ nghề vì trứng cút rớt giá vẫn không bán được, hàng tồn phải đổ bỏ. Chính vì vậy, ngay từ khi đầu tư vào chăn nuôi, tôi luôn trăn trở về bài toán tiêu thụ, nhất là đầu tư vào chế biến để xuất khẩu”.
Ngay từ khi nuôi với quy mô nhỏ, anh Thịnh không tiếc công chở vài ngàn trứng cút bằng xe máy đi bỏ mối cho các bạn hàng khắp nơi, trong đó có thị trường TP.HCM. Bạn hàng nhiều lên, anh đầu tư xe tải đầu tiên rồi tăng thêm thành cả đội xe để chở hàng bỏ mối khắp các tỉnh, thành trong cả nước; cung cấp vào hệ thống các siêu thị lớn.
Khi đã làm chủ được thị trường trong nước, anh Thịnh lại bỏ tiền, bỏ công đi khắp nơi, thậm chí ra nước ngoài để học công nghệ hiện đại trong chế biến trứng ăn liền cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Năm 2018, Công ty TNHH Vương Gia Hưng Thịnh đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, theo anh Thịnh, điều đầu tiên và quan trọng nhất để anh thuyết phục được khách hàng đến từ các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Australia là DN đảm bảo được cả về quy mô và chất lượng nguồn nguyên liệu, đặc biệt là không sử dụng chất kháng sinh trong chăn nuôi.
Một trong những công đoạn sản xuất trứng chim cút xuất khẩu. |
Theo anh Thịnh, tiềm năng xuất khẩu của trứng cút còn rất lớn, vì đây là một trong những thực phẩm thiết yếu, giàu dinh dưỡng, ngày càng được người tiêu dùng các nước ưa chuộng. Trong khi đó, chim cút không phải nước nào cũng nuôi và phát triển mạnh theo quy mô công nghiệp vì do loài chim này hiện vẫn chưa có vaccine phòng dịch cúm. Đây cũng là nguyên nhân khiến anh kiên trì theo đuổi để xây dựng được hệ thống trang trại chăn nuôi công nghiệp công nghệ hiện đại.
Ngoài 2 sản phẩm chính là trứng cút tươi và trứng cút ăn liền thì anh Thịnh còn có thêm thu nhập từ bán phân cút và chim cút thải. Ngoài ra, còn tạo công việc làm ổn định cho hơn 70 nhân công trong Công ty và trên 30 cơ sở gia công khác.
Được biết, trứng cút ăn liền mà Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vương Gia Hưng Thịnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản hoàn toàn được chế biến từ chính sản phẩm trong trang trại chim cút lớn nhất Việt Nam của doanh nghiệp. Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp này đã xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản khoảng 4 container trứng cút ăn liền. Bên cạnh đó thì cũng có khoảng 10 container được xuất khẩu đi thị trường Mỹ và Đài Loan thông qua các đối tác khác./.