Một góc thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu |
Huyện Tam Đường là huyện vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lai Châu. Phía Bắc giáp huyện Phong Thổ và huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Phía Tây giáp huyện Sìn Hồ và thành phố Lai Châu. Phía Đông giáp huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Phía Nam giáp huyện Sìn Hồ và huyện Tân Uyên, cách trung tâm tỉnh lỵ gần 30km theo quốc lộ 4D.
Tam Đường có địa hình phức tạp, chia cắt bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Phía Đông Bắc là dãy Hoàng Liên Sơn kéo dài hơn 80km, phía Đông là dãy núi Pusamcap dài hơn 60km. Huyện vùng cao này nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, chiếm 75-80% tổng lượng mưa trong năm.
Với mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản trở thành một trong những thế mạnh kinh tế của địa phương, những năm qua, nông dân huyện Tam Đường (Lai Châu) mở rộng, phát triển diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo hướng hàng hóa. Nhờ đúc kết kinh nghiệm, nhiều hộ có thu nhập khá từ trăm triệu đến tiền tỷ/năm.
Hơn 10 năm qua, gia đình ông Trần Văn Dìn ở bản Giang (xã Bản Giang) chuyển đổi 2.000m2 ruộng 1 vụ ngô, lúa/năm sang nuôi cá. Gia đình ông đầu tư xây dựng kè đá, đổ bê tông xung quanh ao kiên cố; lắp đặt hệ thống ống dẫn nước ra, vào ao thường xuyên, tạo ô xi cho cá phát triển. Mỗi năm, gia đình ông nuôi hơn 10 vạn con cá trắm, chép rô phi đơn tính. Hàng ngày, ông cho cá ăn đúng bữa, đủ chất, rắc vôi khử trùng và phòng, chống dịch bệnh. Mỗi năm, gia đình ông thu lãi trên 100 triệu đồng từ nuôi cá theo hướng hàng hoá.
Hay như, gia đình anh Vì Văn Nhiên ở bản Nà Bỏ (xã Bản Giang). 5 năm gần đây, anh cũng cải tạo đất vườn tạp kém hiệu quả cạnh nhà sang xây dựng ao nuôi cá. Ban đầu, anh đào khoảng 2.000m2 ao nuôi cá, nhưng khi đúc kết kinh nghiệm nuôi, gia đình nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nên mở rộng diện tích lên 5.000m2 nuôi các loại cá trắm, chép, trôi, rô phi đơn tính. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đàn cá ít dịch bệnh, chóng lớn. Mỗi năm, gia đình anh thu hoạch trên 2,5 tấn cá thịt bán ra thị trường, trừ chi phí thu lãi 120 triệu đồng.
Từ nuôi cá nước lạnh, nhiều gia đình ở bản Chu Va 6 có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm |
Năm 2019, anh Hàng A Phàng ở bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường quyết định đầu tư 5 bể nổi lót bạt nuôi cá tầm. Từ nuôi cá, mỗi năm gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng; riêng năm 2022, với 2.500 con giống, tổng thu lên tới 900 triệu đồng. Bước sang năm 2023, anh chuyển địa điểm nuôi sang khu vực suối Trắng đầu tư nuôi cá tầm, cá hồi với tổng số 8 bể và 8.000 con cá giống.
Còn gia đình anh Nguyễn Gia Oanh ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai mua khoảng 1 ha đất dưới chân núi Hoàng Liên của người dân đầu tư nuôi cá nước lạnh ở bản Chu Va 8. Đầu tư quy mô ao nuôi với diện tích khoảng 6.000 m2, anh nuôi theo quy trình khép kín, thực hiện gối vụ bảo đảm duy trì lượng cá tầm, cá hồi thương phẩm bán ra thị trường. Mỗi năm anh xuất ra thị trường từ 25 - 30 tấn cá thương phẩm, thu nhập đạt từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng.