Nghệ An đánh giá, xếp hạng 110 sản phẩm OCOP Bưởi Phúc Trạch - Niềm tự hào trái cây Hà Tĩnh Bắc Kạn: Nức tiếng đặc sản hồng không hạt |
Gừng có tên khoa học là Zingiber officinale Rose. Theo Đông y, gừng có vị cay, tính ấm, quy vào các kinh phế, tỳ, vị, thường được sử dụng để chữa các chứng phong hàn và kích thích tiêu hóa. Gừng được trồng ở nhiều vùng, dùng để làm gia vị và làm thuốc.
Gừng dé Kỳ Sơn củ nhỏ, thân tròn, nhiều nhánh, mùi thơm đặc trưng và có vị cay nồng đậm |
Ở Nghệ An, gừng được trồng từ lâu đời ở huyện miền núi Kỳ Sơn, nơi tập trung đông đồng bào dân tộc người H’mông sinh sống. Tại Kỳ Sơn, người dân địa phương sản xuất hai loại gừng là gừng dé và gừng trâu. Gừng dé dùng để tiêu thụ nội địa là chủ yếu còn gừng trâu hướng tới xuất khẩu. Sản phẩm gừng “Kỳ Sơn” chế biến ra tinh dầu, làm gia vị, hương liệu, dược liệu, thực phẩm…
Gừng “Kỳ Sơn” có những đặc điểm về hình thái và chất lượng đặc thù có thể dễ dàng phân biệt so với các loại củ gừng ở các vùng khác. Gừng dé “Kỳ Sơn” củ nhỏ, thân tròn, nhiều nhánh. Vỏ và ruột màu trắng ngà, lõi màu vàng nhạt, nhiều xơ. Mùi thơm đặc trưng, vị cay nồng đậm.
Khu vực trồng gừng ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn |
Ngày 15/11/2019, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5587/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00077 cho sản phẩm gừng “Kỳ Sơn”. Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. |
Gừng ở Kỳ Sơn được trồng tại các xã Na Ngoi, Bảo Thắng, Đoọc Mạy, Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn, Nậm Cắn, Nậm Càn, Mường Ải, Mường Típ, Keng Đu, Na Loi, Bắc Lý, Mỹ Lý và Bảo Nam. Đây là khu vực có địa hình chủ yếu là núi cao trên 700m so với mực nước biển, có nhiều lớp lượn sóng, hiểm trở, độ dốc tương đối lớn, độ dốc trung bình 35 độ.
Đặc thù của gừng “Kỳ Sơn” được quyết định nhờ tính chất đất như Môlípđen, Đồng, Kẽm, Đạm tổng số, Lân tổng số, Kali tổng số, Kali dễ tiêu, độ chua của đất và hàm lượng sét trong đất. Đặc biệt, hàm lượng Kali tổng số, Kali dễ tiêu có một ý nghĩa rất quan trọng trong sự hình thành các chất cay Gingerol và hàm lượng tinh dầu trong củ gừng.
Bên cạnh yếu tố tự nhiên ảnh hưởng đến chất lượng của gừng Kỳ Sơn, kinh nghiệm, bí quyết của người sản xuất cũng làm nên đặc thù của sản phẩm. Ngay từ khâu chọn giống, người dân đã lựa chọn những củ chắc, không non, không già, màu sáng bóng, khoảng 10 - 11 tháng tuổi làm giống, lựa chọn mùa vụ canh tác phù hợp với điều kiện khí hậu nơi quanh năm có sương mù, thường xuyên vun gốc trong quá trình chăm sóc để cây sinh trưởng tốt hay canh tác theo phương thức bỏ hóa từ 2 đến 3 năm.
Hoa gừng Kỳ Sơn cũng là loại nông sản được người dân ưa chuộng, rất dễ tiêu thụ trên địa bàn |
Đặc biệt, người dân trồng gừng huyện Kỳ Sơn đã tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật về trồng gừng hữu cơ hoàn toàn sạch. Tất cả những bí quyết trên đã tạo cho gừng Kỳ Sơn có tính đặc thù riêng và được người tiêu dùng tin tưởng.
Thời gian qua, huyện Kỳ Sơn đã và đang đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho người dân cùng tổ chức liên kết sản xuất, phát triển thương hiệu “Gừng Kỳ Sơn” thành thương hiệu OCOP của địa phương và mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm để góp phần giúp bà con có thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
Năm 2020, theo kế hoạch của UBND huyện Kỳ Sơn, huyện sẽ phát động mỗi xã trồng thêm từ 50 - 100 ha gừng chủ yếu bằng giống gừng sừng trâu và UBND huyện sẽ trích kinh phí giao cho Phòng NN&PTNT cùng trạm khuyến nông huyện xây dựng mô hình thâm canh giống gừng sừng trâu trên diện tích 40 ha ở 3 xã Na Ngoi, Nậm Cắn, Tây Sơn để từ đó tuyên truyền mở rộng diện tích trong toàn huyện vào các năm sau.