Mô hình nuôi Cá bống bớp cho hiệu quả kinh tế cao tại Nam Định Kinh nghiệm du lịch vườn Quốc gia Xuân Thuỷ từ A đến Z Khai thác tiềm lực du lịch biển Nam Định |
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng; đồng thời, bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số.
Cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt của Việt Nam. Việc này không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà còn giúp nông sản Việt Nam định hình thương hiệu trên các thị trường lớn.
Ngoài đáp ứng yêu cầu về thị trường để nông sản được lưu thông trong các siêu thị, trung tâm thương mại nội địa và xuất khẩu theo đường chính ngạch thì MSVT còn mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho người nông dân như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất…
Trên địa bàn tỉnh Nam Định, việc áp dụng MSVT có nhiều thuận lợi do ngành Nông nghiệp đã từng bước tạo lập những nền tảng cần thiết cho quá trình cấp MSVT như: diện tích canh tác lớn, nhiều vùng sản xuất tập trung; nhiều mô hình sản xuất áp dụng cơ giới hóa, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ở cả lúa, rau màu, cây dược liệu và hoa, cây cảnh.
Công tác sở hữu trí tuệ được tỉnh Nam Định quan tâm triển khai, các huyện, thành phố cũng chú trọng việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản địa phương... Bên cạnh đó, việc điều tra số liệu, cập nhật thông tin đều được thực hiện qua phần mềm cấp, quản lý MSVT do Bộ NN và PTNT xây dựng và cung cấp nên thuận lợi, chính xác.
Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) cấp 21 MSVT nông sản tiêu thụ nội địa được phân bổ rải rác ở cả 9 huyện. Trong đó huyện nhiều nhất là Xuân Trường với 8 vùng trồng được cấp mã số.
Tuy nhiên con số này còn quá nhỏ so với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; các MSVT được cấp tập trung chủ yếu ở vùng trồng lúa mà chưa mở rộng ra các vùng trồng rau màu, dược liệu. Quy mô những vùng sản xuất vẫn nhỏ lẻ, chưa kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất và thị trường, nhất là trước nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản.
Xác định cấp MSVT là một trong những giải pháp quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp số hoàn chỉnh, ngành Nông nghiệp Nam Định tiếp tục hướng dẫn các địa phương, đơn vị rà soát, quy hoạch những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ổn định đối với những loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất xây dựng các “cánh đồng lớn”, áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao...
Bên cạnh đó tổ chức các lớp tập huấn thực hành MSVT nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc xây dựng và thực hiện các quy định MSVT. Đặc biệt, việc cấp MSVT giúp xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành và chuyên ngành trồng trọt, qua đó, từng bước phát triển đồng bộ nền tảng hạ tầng số, chính quyền số nông nghiệp, kinh tế số nông nghiệp và nông dân, nông thôn số.
Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng, quản lý MSVT và cơ sở đóng gói nông sản trên địa bàn tỉnh và có xây dựng cơ chế hỗ trợ các vùng trồng cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt; hỗ trợ thiết lập MSVT, cung cấp nền tảng cấp và quản lý MSVT trực tuyến; ghi chép nhật ký điện tử; khai thác cơ sở dữ liệu vùng trồng; truy xuất nguồn gốc nông sản... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đăng ký và quản lý MSVT.