![]() |
Cá Bống Bớp là loài cá sống ở vùng nước lợ có kích thước nhỏ, da trơn, thân hình trụ tròn với đầu ngắn, mắt nhỏ và mõm tầy.
Ở Việt Nam, cá Bống bớp phân bố nhiều ở những vùng cửa sông ven biển và đầm nước lợ từ Bắc vào Nam.
Khi còn nhỏ, cá Bống Bớp sống theo từng cặp đực cái hay thành đàn trong hang. Thức ăn của chúng là động vật phù du, giun, giáp xác cỡ nhỏ, ấu trùng côn trùng. Khi lớn, chúng ăn các loại còng, cáy, tôm, cua nhỏ, don dắt và mùn bã hữu cơ.
Cá Bống Bớp là loài cá nước mặn, đánh bắt tự nhiên ngoài biển nhưng sau được người dân thuần hóa trở thành cá nước lợ
Loài cá nay khá dữ, với sức sống dẻo dai, đặc biệt có khả năng nhịn đói dài ngày. Cá Bống Bớp nhiều nhớt, thịt ngọt, dai và thơm, lại có giá trị dinh dưỡng cao, có giá trị kinh tế.
![]() |
Cá bống bớp kho tiêu |
Từ năm 2020, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Nam Định đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá bống bớp bằng thức ăn công nghiệp” tại huyện Nghĩa Hưng. Sau 3 năm triển khai, mô hình đã mở ra hướng đi mới, giúp nghề nuôi cá bống bớp phát triển bền vững, hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng phục vụ tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Dự án đã lựa chọn 9 hộ nuôi tại các xã Nam Điền, Nghĩa Tân, Nghĩa Lâm, Nghĩa Bình là các xã nằm trong vùng quy hoạch và định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản của huyện Nghĩa Hưng để thực hiện mô hình nuôi cá bống bớp thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp.
Từ 2020 đến nay, với tổng diện tích thực hiện là 3ha cho thấy năng suất cá bống bớp đạt 7,3 tấn/ha; tỷ lệ sống đạt 81%; lợi nhuận đạt trên 510 triệu đồng/ha/vụ. Việc triển khai Dự án đã nâng cao nhận thức của người nuôi về phương pháp ứng dụng công nghệ nuôi cá bống bớp bằng thức ăn công nghiệp.
So với các phương thức nuôi khác thì mô hình nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp có thể nuôi với mật độ cao hơn, dễ quản lý, chủ động được nguồn thức ăn, giảm áp lực khai thác cá tạp gần bờ, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hạn chế tác động đến môi trường, chống lây nhiễm dịch bệnh, giảm hệ số thức ăn. Ngoài ra, Dự án còn giúp người nuôi hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm việc sử dụng thuốc, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản, tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dựa trên những kết quả khả quan nói trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tư vấn, hướng dẫn giới thiệu sản phẩm các hộ nuôi với Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định (thành phố Nam Định) và các hợp tác xã, doanh nghiệp về liên kết tiêu thụ sản phẩm đã tạo tâm lý yên tâm cho người sản xuất, tránh tình trạng tư thương ép giá, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người nuôi.
![]() |
Việc xây dựng thành công các mô hình nuôi cá bống bớp thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp đã mở ra một hướng đi mới, giúp nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững như hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình tới các hộ nông dân, doanh nghiệp để họ tiếp cận và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật của Dự án, tiến tới xây dựng các vùng nuôi tập trung, cung cấp các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng, hướng tới xuất khẩu nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nâng cao.