Mấy năm gần đây, Lục Nam được biết đến là địa phương có diện tích nhãn phát triển mạnh, ngoài xã Đan Hội - “thủ phủ” nhãn có tuổi đời hàng chục năm thì nay loại cây trồng này đã xuất hiện nhiều ở các xã: Lục Sơn, Bình Sơn, Đông Phú và Đông Hưng, với diện tích lên đến 640 ha, ước sản lượng năm nay đạt gần 8,2 nghìn tấn, tăng 120 tấn so với năm 2020.
Tháng 12/2020, sản phẩm nhãn Lục Sơn (Lục Nam) vinh dự được công nhân OCOP 3 sao, với quy trình sản xuất chuẩn VietGap. Đây là bước tiến lớn giúp cho quả nhãn Lục Sơn dễ dàng quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, người dân bước vào thu hoạch vụ mùa đúng thời điểm dịch Covid-19 trong và ngoài nước đang diễn biến phức tạp khiến người dân không khỏi lo lắng về việc tiêu thụ sản phẩm.
Lục Nam (Bắc Giang) na dai, nhãn chính vụ bước vào vụ mùa thu hoạch |
Để vượt qua đại dịch, các cấp chính quyền, HTX và người dân nơi đây đã và đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp, quyết tâm giành thắng lợi vụ na, nhãn. Với tâm thế chủ động nhiều hộ dân có diện tích nhãn lớn ở xã Lục Sơn cũng chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm trên các nhóm Zalo, Facebook. Trong đó, nòng cốt là các thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lục Sơn. HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lục Sơn có 69 thành viên, với tổng diện tích khoảng 50 ha, sản xuất theo quy trình VietGap. Ước tính sản lượng nhãn đạt khoảng 500 tấn, tăng khoảng 40% so với năm 2020.
Bên cạnh sản phẩm nhãn thì sản phẩm na dai của huyện Lục Nam cũng bước vào chính vụ. Diện tích na của huyện Lục Nam lớn nhất tỉnh Bắc Giang, khoảng 1,8 nghìn ha, tập trung ở các xã: Nghĩa Phương, Huyền Sơn, Cương Sơn, Đông Phú, Đông Hưng và Lan Mẫu. Sản lượng na năm nay ước đạt hơn 14 nghìn tấn, tương đương vụ na năm trước. Mức giá tiêu thụ na hiện giao động trong khoảng từ 25.000 -35.000 đồng/ kg tùy vào mẫu mã, mức giá tiêu thụ năm nay được đánh giá giảm 30% so với vụ mùa năm 2020. Nguyên nhân chính khiến cho giá bán na bị giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển, tiêu thụ đến những thị trường truyền thống như Hà Nội và các tỉnh phía Nam gặp nhiều khó khăn.
Nếu như trước đây, na dai Lục Nam chỉ cho thu hoạch trong vòng 1 tháng, thì nay đã kéo dài 6-7 tháng, từ tháng 7 đến hết tháng 12 và tháng 1 năm sau. Na được kích thích cho ra quả từ thân nên quả to, mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon.
Sản phẩm na dai huyện Lục Nam |
Cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác, trước đại dịch Covid-19, sản phẩm na, nhãn - nông sản chủ lực của Lục Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong vấn đề tiêu thụ, đưa đến tay người tiêu dùng ở thị trường ngoài tỉnh. Đặc biệt, đối với những thị trường truyền thống, có sức tiêu thụ lớn như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lại đang phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi đó, sản phẩm na rất khó bảo quản, sau khi thu hoạch không thể để được lâu, phải xuất bán ngay trong ngày nếu không quả sẽ bị xuống mã, hư hỏng.
Nhận thấy được khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, UBND huyện Lục Nam cũng như các cơ quan chuyên môn của huyện đã, đang tập trung hướng dẫn các chủ phương tiện vận chuyển sản phẩm na, nhãn làm các thủ tục xác nhận, cấp giấy cần thiết, bảo đảm được lưu thông theo các “đường xanh” ra các tỉnh, thành phố trên cả nước, bảo đảm vừa tiêu thụ nông sản thuận lợi, vừa an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Tránh tình trạng nhiều chủ phương tiện vẫn chưa biết đến những thủ tục này hoặc tự “mò mẫm” đi làm các thủ tục, mất nhiều thời gian, công sức.
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến; giúp người dân kết nối với các doanh nghiệp đến thu mua, tiêu thụ nông sản, không chỉ ở thị trường ngoài tỉnh mà còn mở rộng thị trường ngay trong tỉnh tại các trung tâm thương mại, khu cụm công nghiệp tập trung đông người tiêu dùng.