Dứa là một trong những loại quả phổ biến trong đời sống hàng ngày và dứa tại huyện Lục Nam nổi tiếng bởi mẫu mã đẹp, màu vàng tươi, quả to đều, có vị ngọt sắc và thơm, là nguồn cung cấp dồi dào các loại vitamin. Vitamin C trong dứa được xem là đặc tính chống oxy hóa mang đến lợi ích cho làn da, đồng thời giúp bảo vệ cơ thể nhờ tăng sự đề kháng từ các gốc tự do. Nước cốt trái dứa giúp giảm mệt mỏi vì nó có chứa vitamin A, C, canxi, mangan… giúp cơ thể tránh khỏi tác hại của quá trình oxy hóa.
Dứa tại huyện Lục Nam nổi tiếng bởi mẫu mã đẹp, màu vàng tươi, quả to đều, có vị ngọt sắc và thơm
Thời điểm thu hoạch rộ là từ tháng 4 đến tháng 6. Dứa được trồng nhiều tại xã Bảo Sơn của huyện Lục Nam, có gia đình trồng hơn 10.000 cây dứa, hiện đang cho thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt trên 10 tấn quả; có gia đình trồng hơn 2,5 ha dự kiến thu hoạch khoảng hơn 80 tấn. Khi thu hoạch trọng lượng quả dứa đạt trung bình khoảng 0,6 - 1kg/quả. Sản lượng dứa năm 2020 ước đạt khoảng 13-14 nghìn tấn, tăng so với sản lượng đạt được khoảng 11-12 nghìn tấn trong các năm trước.
Ngoài việc thu hoạch rộ từ tháng 4 đến tháng 6 trong năm, dứa Lục Nam còn được trồng rải vụ và thu hoạch trong 7 tháng. Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cụ thể là sản xuất dứa đã hạn chế được sự lãng phí về tài nguyên đất, nước do tính ưu việt của các công nghệ này như công nghệ sinh học, công nghệ gen, công nghệ sản xuất phân hữu cơ và tự động hóa sản xuất…
Người dân Lục Nam vào vụ thu hoạch dứa
Được biết, huyện Lục Nam có khoảng 400ha dứa tập trung nhiều ở các xã Bảo Sơn và Tam Dị. Dự kiến sản lượng dứa năm nay ước đạt khoảng 14 nghìn tấn. Hiện dứa bắt đầu cho thu hoạch. Toàn huyện cũng đã có 40ha dứa được sản xuất theo quy trình VietGAP. Để tạo điều kiện cho người dân trong sản xuất và tiêu thụ, cơ quan chuyên môn của huyện đã hỗ trợ bao bì, tem nhãn diện tích theo quy trình VietGAP khi xuất bán.
Hiện giá dứa dao động từ 10 - 12 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 7 nghìn đồng/kg so với giá dứa đầu vụ năm trước. Việc tiêu thụ khá thuận lợi, tư thương đến mua tận vườn. Thị trường tiêu thụ chính vẫn là các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Tuyên Quang, Lào Cai và Thủ đô Hà Nội.
Để tạo điều kiện cho vùng dứa sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm và thuận lợi trong khâu tiêu thụ, cơ quan chuyên môn huyện đã triển khai tới người dân trồng dứa theo quy trình VietGAP. Năm 2014, sản phẩm dứa Lục Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Đồng thời, huyện đã thành lập HTX sản xuất dứa Lục Nam để mở rộng thị trường và tập trung xây dựng thương hiệu. Diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP được huyện hỗ trợ bao bì, tem nhãn khi xuất bán.
Quá trình sản xuất dứa tại Lục Nam đã và đang đạt được hiệu quả theo quy mô, đã tạo ra nền sản xuất lớn, làm tăng giá trị quả nhờ đó thương hiệu sản phẩm được tạo ra và cạnh tranh trên thị trường
Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lục Nam, giá dứa mấy năm vừa qua lên xuống thất thường là do chưa tìm được thị trường ổn định.
"Do được ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng và chăm sóc theo quy trình VietGAP, dứa Lục Nam chín có màu vàng đẹp, thơm, ngon ngọt, rất thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Vấn đề quan trọng hiện nay là cần xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, người dân mới yên tâm gắn bó và phát triển cây trồng này. Hiện tại, huyện Lục Nam đang tham mưu các giải pháp xúc tiến, kết nối để mở rộng thị trường cho sản phẩm trong những năm tiếp theo; đồng thời khuyến khích người dân trồng trái vụ." Ông Sơn cho biết.
Huyện Lục Nam có nhiều loại quả khác phát triển dựa trên thế mạnh của mỗi xã như hạt dẻ Tứ Sơn, na dai Huyền Sơn, dứa Bảo Sơn,… Thời gian gần đây, Huyện Lục Nam đã đẩy mạnh sản xuất nông sản hàng hóa, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng giá trị sản phẩm. Nhiều sản phẩm trong các sản phẩm kể trên nằm trong Đề án xây dựng và phát triển sản phẩm nông sản hàng hóa mới đạt tiêu chí cấp tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021.
Các hoạt động trọng tâm trong thời gian tới là tỉnh tiếp tục đầu tư, phát triển mạnh, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn; mở rộng quy mô, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Kiểm soát chặt chẽ các chế phẩm, chất phụ gia được đưa vào sản xuất và bảo quản nông sản, ưu tiên các loại hình kinh tế tập thể tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, huyện sẽ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa hướng đến công nghiệp cao và phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm có thế mạnh, quy hoạch các vùng sản xuất chế biến, xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có sản phẩm dứa.
Mai Quỳnh