Cây vải rừng rất cao, tuổi thọ hàng chục năm |
Vải rừng (hay còn gọi là trái trường) là loại trái cây mọc tự nhiên, không cần chăm sóc như những cây ăn quả khác. Thường một cây vải rừng sau khi mọc 3 năm mới cho quả. Quả có hương vị chia chua, khi chín có màu đỏ, trái nhỏ hơn so với các loại vải quen thuộc.
Vải rừng xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Tây như An Giang, Tây Ninh, Bình Phước... Xưa loại quả này chín rụng đầy rừng nhưng ít người “quan tâm” đến.
Ngoài màu đỏ thường thấy, có cây vải sẽ ra trái màu trắng, khi chín lớp vỏ chỉ ngả sang màu hồng nhạt |
Cây vải rừng rất cao, tuổi thọ hàng chục năm. Dù sinh trưởng tự nhiên, không được chăm bón, nhưng đến mùa cây nào cũng sai trái lủng lẳng.
Vì thân cây rất cao, người dân thường hái cả nhánh lớn rồi lặt gọn cành trái. Cây mọc tự nhiên, ai thu hoạch được thì đem bán. Tuy không bỏ vốn, nhưng công thu hoạch rất vất vả, nguy hiểm.
Công thu hoạch vải rừng rất vất vả |
Màu đỏ của lớp vỏ ngoài trái vải rừng dễ dàng gây chú ý, ai bắt gặp cũng phải dừng chân hỏi han, nếm thử. Tùy cảm nhận người ăn và chất lượng từng trái, chia sẻ ban đầu có đủ cung bậc: “Chua quá”, “Chua chua ngọt ngọt, rất thú vị!”, “Lạ quá hén, lắc muối ớt chắc là hết sẩy”.
Trái vải rừng có kích cỡ chỉ bằng 1/3 trái vải thông thường, bên trong là lớp thịt trắng nõn. Để dễ ăn hơn, ngoài cách ăn trái tươi, nhiều người biến tấu trộn thêm đường, lắc muối ớt hoặc kết hợp các loại trái cây khác làm thức uống giải khát mùa hè.
Trái vải rừng có kích cỡ chỉ bằng 1/3 trái vải thông thường |
Được biết, mùa thu thoạch vải rừng diễn ra trong khoảng 2-3 tháng với sản lượng không nhiều. Vì thế giá thành của chúng rất cao, từ 50.000 – 80.000 đồng/kg; thời điểm trái mùa lên tới 100.000 đồng/kg.
Dù đắt đỏ, quả vải rừng vẫn được người sành ăn lùng mua. Họ muốn nếm thử hương vị xem ra sao mà lại “nổi tiếng” đến vậy! Nhiều tiểu thương lý giải việc vải rừng “khan hiếm” trên thị trường bởi rất khó vận chuyển đi xa, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Chỉ cần bảo quản chúng trong môi trường kín trên 3 ngày thì vỏ của quả sẽ bị thâm đen và ruột dễ bị teo.
Một số món ăn từ vải rừng
Ngoài cách ăn thông thường cùng muối ớt và mắm đường, loại trái cây này cũng có thể được dùng trong chế biến thành các món ngâm như ngâm rượu, ngâm đường với hương vị dịu thơm, tốt cho sức khỏe.
Vải rừng ngâm rượu
Rượu vải rừng có vị thơm ngon, uống kèm đá lạnh giúp giải nhiệt tốt trong mùa hè. Ngoài ra, rượu vải rừng còn giúp ngăn ngừa các bệnh cảm cúm, suy nhược cơ thể.
Cách ngâm rượu vải rừng tương đối đơn giản. Bạn chỉ cần chuẩn bị 2kg vải rừng tươi hoặc khô, 2 lít rượu trắng nồng độ trên 40 độ cồn và bình thủy tinh. Vải rừng bóc vỏ, bỏ hạt chỉ lấy phần long vải. Ngâm long vải qua nước muối khoảng 15 phút và rửa lại nhiều lần với nước sạch, để ráo. Cho hết phần long vải này vào bình thủy tinh cùng 2 lít rượu trắng để ngâm.Đậy nắp bình kín và ngâm trong khoảng 10 – 15 ngày.
Vải rừng ngâm đường
Vải rừng ngâm đường thơm ngon, giúp giải nhiệt hiệu quả cho cả gia đình trong những ngày nắng nóng. Bạn cần chuẩn bị 1kg vải rừng, 200g đường cát trắng và lọ thủy tinh. Sau đó dùng dao nhọn lột vỏ vải và tách phần hạt bên trong ra. Cho vải đã tách hạt vào trong tô nước đá, ngâm trong khoảng 5 phút để vải được giòn hơn và đổ ra để ráo nước.
Nấu nước đường bằng cách cho đường vào nồi cùng 400ml nước, khuấy tan đường. Nấu nước sôi và tắt bếp. Cho phần long vải vào lọ thủy tinh, đổ nước đường đã nguội vào ngập phần vải. Ngâm trong khoảng 2 – 3 ngày là có thể sử dụng. Bảo quản phần vải rừng ngâm đường trong ngăn mát tủ lạnh có thể dùng trong khoảng 1 – 2 tháng.