Mỗi chuyến tàu vào bờ ngư dân thu hoạch đủ các loại tôm cá |
Cá cháo còn được gọi là cá khoai ở những vùng địa phương khác. Người ta phát hiện chúng sống ở vùng biển khoảng 10 hải lý trở vào bờ. Cá có danh pháp hai phần: Harpadon nehereus, là một loài cá biển thuộc họ Synodontidae.
Theo nghiên cứu, chúng loài cá bản địa vùng nước từ Mumbai đến biển Ả Rập. Cá này cũng sống ở vịnh Bengal và nay thì cũng sống ở Biển Đông, chủ yếu ở ven biển duyên hải miền Trung nước ta.
Gọi là cá cháo là bởi thịt cá này mềm, nhão như cháo rất khó chế biến. Lúc trước, cá cháo bị vứt đi hoặc đem cho heo ăn. Còn 10 năm đổ lại đây, có người đã biết cách chế biến cá cháo cho ngon, hợp với mùa lạnh nên nó trở thành mặt hàng quý đối với nhà hàng.
Tại các xã ven biển thuộc các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, TP. Sầm Sơn... (Thanh Hóa) những ngày này người dân tìm đến tận thuyền, tận bè của ngư dân để mua cá khoai. Mặc dù giá rất cao nhưng vẫn không có cá để bán.
1kg cá khoai có giá từ 600.000-800.000 đồng |
Anh Nguyễn Văn Quý ở TP. Sầm Sơn cho hay, nhà anh bắt đầu đi biển từ hôm mùng 3 Tết. Hai vợ chồng anh đi đánh bắt, xuất phát từ 4h sáng đến khoảng 9h cùng ngày vào bờ. Thành quả vợ chồng anh thu được là khoảng hơn 20kg cá các loại.
“Vừa kéo thuyền vào bờ, người dân đã tranh nhau mua cá khoai. Cả chuyến ra khơi, nhà tôi chỉ bắt được khoảng 2kg cá khoai, giá bán từ 600.000-800.000 đồng/kg tùy thời điểm”, anh Quý kể.
Theo ngư dân nơi đây, vào ngày thường, khi thuyền bè vào bờ chủ yếu có thương lái đến gom hàng đi bán. Nhưng từ Tết ra, phần lớn người dân xuống tận thuyền tranh nhau mua.
Anh Quý cho hay, sở dĩ cá khoai đắt như vậy một phần do khan hiếm. Cả chuyến ra khơi, mỗi bè may ra bắt được một vài cân.
Bên cạnh đó, thời điểm sau Tết, người dân ngán ăn thịt nên muốn mua cá khoai về nấu canh ăn cho mát hoặc nấu lẩu, do đó giá cá khoai được đẩy lên cao.
Những mớ cá khoai tươi rói vừa được đưa từ thuyền lên bờ |
Những món ăn ngon chế biến từ cá khoai
Theo Đông y, cá khoai vị ngọt, tính mát, không độc, tác dụng bổ hư, mát huyết, nhuận tràng, ích ngũ tạng... Ăn rất tốt với người gầy nóng, huyết hư, vị nhiệt miệng khô khát, táo bón, ho khan, đái tháo đường... Sau đây là một số món ăn thuốc từ cá khoai:
Canh cá khoai nấu rau cải cúc: Cá khoai, cải cúc, gừng, hành gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ phế, nhuận táo, chỉ khái… Chữa phế nhiệt ho khan, viêm.
Cá khoai nấu rau cần: Cá khoai, cà chua, rau cần ta, thì là, mùi tàu gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ huyết, mát huyết, dưỡng tỳ vị… Chữa chứng nội nhiệt khó lên cân, đau đầu chóng mặt, tăng huyết áp, ho khan, đại tiểu tiện không thông.
Lẩu cá khoai: Cá khoai, xương lợn, giá đậu, dứa, cà chua, ớt, đậu phụ, ớt, gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn. Rau ăn lẩu là cải cúc, rau muống. Công dụng: bổ hư, mát huyết, sinh tân… Chữa đái tháo đường, sắc mặt hình thể khô khan, người mệt mỏi, đau đầu chóng mặt.
Canh chua cá khoai: Cá khoai, dứa, cà chua, dọc mùng, giá đậu, rau ngổ, hành lá, ớt, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ huyết, thanh nhiệt, hạ khí... Trị táo bón, tiểu vàng ít, đau đầu chóng mặt, tăng huyết áp và các chứng liên quan nóng nhiệt.
Cháo cá khoai: Cá khoai, gạo mới, đậu xanh, hành, ngò mùi, tiêu, mắm muối gia vị vừa đủ. Cá khoai tươi làm sạch cắt khúc, khi cháo chín bỏ cá vào, nêm gia vị ăn nóng. Công dụng: bổ hư, dưỡng tỳ vị, sinh tân… Thích hợp người già ăn kém, mệt mỏi, chứng phù do suy dinh dưỡng, trẻ em còi cọc chậm lớn.