Cá chạch còn có tên gọi khác là xuân ngư, thuộc loại cá da trơn |
Cá chạch còn có tên gọi khác là xuân ngư, thuộc loại cá da trơn, sống được ở cả vùng nước ngọt và nước lợ. Vào mùa nước nổi, cá chạch sống trên đồng ruộng, khi nước cạn thì rút xuống các bàu, ao, vũng hoặc theo kinh rạch ra sông.
Về đặc điểm nhận dạng, cá chạch có kích thước nhỏ, dài khoảng 1 gang tay, thân hình tròn trĩnh, đầu nhọn và toàn thân nhờn, nhìn có vẻ giống lươn. Cá chạch có quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là mùa nước nổi. Người ta đánh bắt cá bằng chài, vó cất, cào, lọp tép hoặc câu. Trong nếp ăn của người Nam Bộ, cá chạch là món đặc sản khiến cho bữa cơm thêm tròn vị.
Trước đây, cá chạch đồng có mặt trong mâm cơm của người nghèo. Chỉ cần mang dụng cụ ra đồng vài tiếng là bắt được vài mẻ cá chạch đồng về chế biến các mon ăn. "Hồi đó cá chạch nướng củi thơm phức, hoặc nấu cháo cá chạch, nấu canh chua đều rất ngon. Cá chạch lúc đó có nhiều nhưng không ai mang ra mua bán ở chợ. Giờ đây ở thành phố, khó lắm mới gặp được một mẻ cá chạch đồng, còn chủ yếu là cá chạch nuôi được bán với giá lên tới 120.000 đồng/kg", chị Hòa Anh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Ở miền Tây, cá chạch kho nghệ là món ăn đưa cơm nhất, nhưng lạ nhất phải kể đến cá chạch một nắng chiên giòn chấm với nước mắm me hoặc khô cá chạch. Để đạt chuẩn, người dân miền Tây sử dụng nước mắm ngon nguyên chất cùng với me chín dầm lấy cơm me, hòa với đường, bột ngọt, ớt cho vừa ăn.
Khô cá chạch |
Để làm khô cá chạch, quan trọng là phải dùng cá tươi, cạo nhớt sạch sẻ và phơi khô trong môi trường sạch sẽ, vệ sinh. Làm khô cá chạch khá đơn giản, hầu như không cần phải loại bỏ phần nào của con cá. Khi cá chạch còn tươi rửa sạch cạo thân cá cho sạch, đem ngâm với nước muối loãng được 30 phút thì vớt ra ướp ít gia vị và ớt. Sau đó, xếp lên vỉ tre hoặc lưới mành đem ra phơi nắng. Khô cá chạch được phơi đến 3 đợt nắng thì khô sẽ đạt chất lượng.
Trên thị trường, khô cá chạch đồng có giá 300.000 đồng/kg.
Theo Đông y, cá chạch có tác dụng bồi bổ khí huyết, chống lão hóa, tráng dương, cường lực, thanh nhiệt, cần thiết cho người già. Còn theo Tây y, thịt cá có nhiều chất đạm, chất béo, và các axit amin cần thiết khác cho cơ thể. Ngoài ra, theo dân gian, nhớt cá chạch cũng có tác dụng kháng viêm, tiêu độc, kháng khuẩn...
Cách chọn cá chạch tươi ngon, thịt chắc
Để mua được cá chạch tươi ngon nhất, bạn nên mua ở các khu chợ hoặc cửa hàng chuyên bán đồ hải sản tươi, sống.
Khi chọn cá chạch hãy chọn những con còn sống, giãy mạnh và có thân hình to.
Hãy chọn con có phần mắt trong, da sáng bóng và phần mang đỏ tươi.
Không nên lựa những con cá đã chết hoặc nằm im lìm, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng món ăn và mùi vị của cá.
Không nên chọn những con quá nhỏ hoặc gầy, vì sẽ ít thịt và nhiều xương.
Lưu ý khi ăn cá chạch và cách bảo quản cá chạch
Cá chạch chiên riềng sả |
Lưu ý khi ăn cá chạch
Cá chạch nếu nấu chung với giấm, hay mơ khô dễ gây độc ngộ độc do độc tố gây ra. Nếu ăn chung với gan còn có thể bị gây ra bệnh phong.
Cá chạch là loài cá dinh dưỡng và có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, để cá khi chế biến không còn nhớt và bị tanh bạn chỉ cần sử dụng các nguyên liệu đơn giản có sẵn trong căn bếp nhà mình như: Giấm, tro bếp, nước nóng, lá tre, lá chuối,... chỉ cần dùng chúng rửa sơ hoặc chà trực tiếp lên cá thì sẽ làm sạch được nhớt có trên cá.
Cách bảo quản cá chạch
Trước khi bảo quản cá chạch bạn phải đảm bảo là cá đã được làm sạch bỏ đi các phần như mang, nội tạng cá,... và rửa thật sạch. Nếu muốn kĩ hơn bạn nên rửa sơ ca với chanh, muối để loại đi mùi hôi và chất dơ.
Sau đó, bạn để cá ráo nước rồi cho vào hộp hoặc túi zip và đậy thật kín. Nếu muốn bảo quản lâu thì nên bảo quản tủ đông đá nhé. Và lưu ý là không nên đặt cá chung với các loại thực phẩm khác vì nó sẽ gây nhiễm khuẩn chéo.