Cá lăng vốn chỉ được đánh bắt tự nhiên, nay đã nuôi thành công trong lồng giúp người nuôi có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. |
Triển vọng từ mô hình nuôi cá lăng
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế diện tích mặt nước lòng hồ chứa nước Nước Trong, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá Lăng thương phẩm trong lồng” tại xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà. Mô hình nuôi cá lăng đặc sản đang đem lại kết quả khả quan, mở ra hướng thoát nghèo bền vững.
Mô hình thuộc Kế hoạch Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi năm 2022, Theo đó, có 2 hộ tham gia mô hình với tổng thể thích 400m3 lồng thả nuôi 8.000 con cá lăng giống (mật độ 20 con/m3).
Bà Phạm Thị Mân ở xã Sơn Bao cho biết, gia đình bà đã nuôi cá ở lòng hồ chứa nước Nước Trong được khoảng 5 năm, chủ yếu là tự nuôi và tự lo đầu ra, kinh nghiệm chăm sóc đàn cá chưa nhiều.
“Năm nay, gia đình tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ kinh phí đầu tư 200m3 lồng thả nuôi 4.000 con cá lăng nên gia đình tôi rất phấn khởi. Hy vọng mô hình nuôi cá đặc sản sẽ cho thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống” bà Mân cho biết thêm.
Qua kiểm tra, sau hơn 5 tháng thả nuôi, cá lăng sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt 460 gram/con, tỷ lệ sống ước đạt 90%, cá không có dấu hiệu nhiễm bệnh. Các yếu tố môi trường như nhiệt độ nước 280C, pH nước 7,5, …đều phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của loài cá lăng.
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra đàn cá lăng tại lồng nuôi tại xã Bao Sơn (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi). |
Tham gia mô hình, các hộ nuôi được nhà nước hỗ trợ 70% chi phí (bao gồm chi phí mua con giống, thức ăn, Vitamin C, men tiêu hóa, thuốc phòng, trị bệnh) và chỉ đối ứng 30% còn lại.
Để giúp các hộ dân tham gia mô hình nuôi cá lăng cũng như người dân sinh sống xung quanh vùng hồ chứa nước Nước Trong nắm được kỹ thuật nuôi cá lăng thương phẩm trong lồng, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật.
Trung tâm cũng cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hỗ trợ và hướng dẫn tận tình về kỹ thuật lắp đặt lồng bè, xử lý vệ sinh lồng trong quá trình nuôi, thức ăn và kỹ thuật cho cá lăng ăn... Đến thời điểm hiện tại, 2 hộ tham gia mô hình nuôi cá lăng đã khá thành thạo kỹ thuật chăm sóc cá nên cá sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp.
Thành công từ mô hình nuôi cá lăng đặc sản sẽ là bước đệm để xã Sơn Bao nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh Quảng Ngãi nói chung có thể nhân rộng ra cộng đồng, từ đó có nhiều hộ dân tiếp cận hơn, vươn lên làm giàu chính đáng.
Mỗi năm thu lãi trên 100 triệu từ nuôi cá lăng
Trước đó, mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng bè, thả trên hồ chứa do Trung tâm Khuyến nông – Giống Cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đăk Lăk đã phối hợp xã Krông Buk (huyện Krông Pách) thực hiện cũng đem lại kết quả khả quan.
Mô hình nuôi cá lăng nha được triển khai trên đập Krông Buk hạ của gia đình ông Hồ Ngọc Toan. |
Bà Nguyễn Thị Hồng Duyên - cán bộ Phòng Đào tạo - Truyền thông (Trung tâm Khuyến nông – Giống Cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đăk Lăk) cho biết, tháng 3/2020, mô hình nuôi cá lăng nha được triển khai thực hiện tại 2 điểm thuộc buôn EaDrai, xã Tân Tiến và đập Krông Buk hạ, xã Krông Buk, huyện Krông Pách.
Tổng lượng cá thả nuôi ban đầu là 4.000 con cá lăng nha, kích cỡ 15 cm/con. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% giống, thức ăn và các loại vật tư khác. Các hộ gia đình tự đầu tư hệ thống lồng bè và đối ứng 30% giống, vật tư phục vụ chăn nuôi.
Ông Hồ Ngọc Toan (trú tại thôn 4, xã Krông Buk) – hộ tham gia mô hình cho biết, gia đình ông nuôi cá trên đập thủy lợi Krông Buk hạ đã 5 năm nay.
Ban đầu ông chủ yếu thả cá diêu hồng, rô phi, cá bán được giá nên có lãi khá. Nhận thấy môi trường nước tại đập Krông Buk hạ rất trong lành, có thể đầu tư lâu dài nên ông đã mạnh tay mua lại 1 lồng tròn thiết kế theo công nghệ Đan Mạch.
Mỗi năm, gia đình ông Hồ Ngọc Toan thu lãi từ 100-120 triệu đồng nhờ nuôi cá lăng trong lồng. |
Lồng này có kích thước lớn, lên tới 280m2, chịu được sóng to gió lớn nên ngoài thả 20 tấn cá rô phi thương phẩm, ông còn thả 2.000 con cá lăng nha giống. Sau 8 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân trên 1kg/con, tỷ lệ sống 86%.
Với 3 lồng nuôi cá lăng nha, cá thác lác cườm, rô phi và điều hồng, ông Toan cho biết trung bình mỗi tháng gia đình ông thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm ông lãi khoảng 100-120 triệu đồng.
Nuôi cá lăng thương phẩm trong lồng là hướng phát triển nhằm khai thác hiệu quả lợi thế địa phương. Nếu chỉ nuôi những loài thủy sản quen thuộc, hiệu quả kinh tế không cao. Nay người dân được hỗ trợ nuôi cá lăng thương phẩm, vốn là loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao. Điều này giúp người dân gia tăng lợi nhuận, mở hướng làm giàu từ nuôi thủy sản./.