Giống cá lăng ngoài tự nhiên bị sắc bắt cạn kiệt nên nhiều địa phương đã phát triển nghề nuôi loài cá này và đem lại hiệu quả cao. |
Mô hình nuôi cá lăng lồng trên sông cho hiệu quả cao
Vừa qua, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Con Cuông (tỉnh Nghệ An) tổ chức hội thảo kết quả thực hiện mô hình nuôi cá lăng trong lồng. Đầu năm 2022, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Con Cuông đã phối hợp với UBND xã Môn Sơn triển khai thực hiện mô hình nuôi cá lăng trong lồng trên trên sông Giăng tại bản Xiềng.
Mô hình nuôi cá lăng được thực hiện với quy mô 4 lồng nuôi, mỗi lồng có diện tích 25m3; số lượng cá giống thả 1.100 con; mật độ thả 10 con/m3, trọng lượng 30 con/kg; có 2 hộ gia đình tham gia.
Để mô hình đạt hiệu quả đề ra, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Con Cuông đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với địa phương lựa chọn hộ và trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ chuẩn bị lồng nuôi, thả giống, quản lý và chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá...
Các hộ tham gia mô hình nuôi cá lăng trên sông Găng ở Con Cuông được Nhà nước hỗ trợ 100% con giống, thuốc hóa chất, chế phẩm sinh học và 50% thức ăn hỗn hợp. Sau 11 tháng triển khai thực hiện, tỷ lệ sống đạt 60%, cỡ cá lăng đạt được từ 1,6 - 1,8 kg/con, tổng thu nhập đạt 51 triệu đồng/hộ; trung bình mỗi tháng nuôi cho thu nhập trên 4 triệu đồng/hộ.
Mô hình nuôi cá lăng trên sông Găng được triển khai tại bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. |
Theo đánh giá của các hộ tham gia mô hình, sông Giăng là nơi có điều kiện khí hậu phù hợp và nguồn thức ăn dồi dào cho việc nuôi cá lăng.
Mô hình nuôi cá lăng trong lồng đã và đang mở ra một hướng đi mới cho người nông dân nơi đây. Đây là mô hình triển vọng để phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái. Tạo thu nhập bền vững cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, các ngành chức năng cần có nhiều chương trình hỗ trợ, đồng thời đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp nuôi trồng mới phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, giúp người nuôi vừa phát triển nguồn lợi thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo được yếu tố môi sinh, môi trường và tạo cảnh quan hấp dẫn là điểm đến tham quan du lịch trên sông Giăng Pha Lài.
Người dân vùng biên được cấp giống cá Lăng đặc sản để tạo sinh kế
Nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhất là phát triển mô hình nuôi cá Lăng đặc sản, từ tháng 4, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã tổ chức cấp 2.500 con cá giống Lăng cho người dân trên địa bàn xã Tà Cạ, xây dựng mô hình nuôi cá Lăng thương phẩm, mang lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhấp cho người dân vùng biên.
Được nhận cá giống đợt này gồm 10 hộ dân ở bản Cánh, xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn. Các hộ dân được cấp từ 150 đến 400 con cá giống, phụ thuộc vào diện tích ao nuôi của từng hộ dân. Đây là giống cá Lăng thương phẩm, ngoài con giống các hộ dân còn được hỗ trợ thức ăn, vôi, chế phẩm phòng dịch và tập huấn kỹ thuật chăm sóc trong toàn bộ thời gian nuôi. Dự kiến sau 10 tháng cá sẽ đạt trọng lượng và có thể xuất bán ra thị trường.
Chương trình cấp phát cá giống được thực hiện tại bản Cánh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. |
Cá Lăng là loài cá đặc sản, thường bị săn bắt tận diệt ngoài tự nhiên. |
Được biết, đây là chương trình do Trung tâm khuyến nông tỉnh Nghệ An phối hợp với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn, xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhất phát triển chăn nuôi thủy sản.
Cá lăng là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá trị thương phẩm cao. So với các loại cá khác, cá lăng dễ nuôi hơn do nguồn thức ăn của loại cá này đa dạng, dễ kiếm do vậy phù hợp với địa bàn vùng khó khăn nhưng có lợi thế phát triển thủy sản. Phát triển nghề nuôi cá lăng đặc sản vừa góp phần bảo tồn loài cá có giá trị đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân./.