Cây thoát nghèo của bà con Sơn La
Sau hơn 30 năm phát triển cây cà phê, Sơn La hiện là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất miền Bắc, với khoảng 17.000 ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn cà phê nhân/ năm.
Đặc biệt, từ năm 2017, cà phê Sơn La có bước chuyển mình mạnh mẽ, khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Cà phê Sơn La" cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột; trở thành những sản phẩm đặc sản vùng miền, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao. Cùng với phát triển bền vững cây cà phê, tỉnh Sơn La đã có những định hướng, mục tiêu vả giải pháp chiến lược để nâng tầm thương hiệu, nâng cao hơn nữa giá trị cây cà phê.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 03 địa phương là vùng nguyên liệu cà phê chính bao gồm: huyện Thuận Châu, thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn. (Thuận Châu với diện tích 5.600 ha, thành phố Sơn La với diện tích 5.000 ha và huyện Mai Sơn với diện tích trên 6.400 ha).
Từ năm 2017, sản phẩm cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, với 3 loại sản phẩm là cà phê nhân, cà phê rang xay và cà phê bột. Các doanh nghiệp, cơ sở đủ điều kiện sử dụng gồm: Công ty TNHH Cà phê Sơn La, Hợp tác xã cà phê Bích Thao - Sơn La, Chi nhánh Sơn La – Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế, Chi nhánh Sơn La – Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến.
Năm 2021, sản phẩm Cà phê của Hợp tác xã Cà phê Bích Thao Sơn La đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia và thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.
Hiện nay cà phê Sơn La đã xuất khẩu tới gần 20 quốc gia (Nhật, Mỹ, các nước Trung Đông và các nước Châu Âu) và là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực trên địa bàn tỉnh Sơn La. Với đặc điểm về điều kiện tự nhiên phù hợp, sự cần cù, gắn bó của đồng bào dân tộc nơi đây, cây cà phê Arabica sinh trưởng, phát triển và cho ra những hạt cà phê có hương vị tuyệt vời, xứng danh là đặc sản của vùng núi Sơn La.
Từ "sứ mệnh" xóa đói giảm nghèo, cây cà phê giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La; nhiều sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường khó tính, góp phần khẳng định hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.
Nhiều sự kiện đặc sắc để quảng bá cà phê Việt
Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023 dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10 gồm phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động, như: Hội chợ triển lãm “Cà phê Sơn La"; Hội thảo nâng cao chất lượng cà phê Sơn La; hội nghị kết nối giao thương sản phẩm cà phê; trưng bày ảnh đẹp về Cà phê Sơn La. Cùng với đó, sẽ diễn ra các hoạt động: Khánh thành các dự án đầu tư vào lĩnh vực cà phê; Hội thi nhà nông đua tài; đêm Gala cà phê; tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, khám phá tour du lịch cà phê...
Ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Lễ hội cà phê Sơn La lần thứ nhất được tổ chức nhằm mục đích quảng bá thương hiệu cà phê Sơn La; là cơ hội để tỉnh Sơn La giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác của tỉnh.
Sự kiện còn nhằm khẳng định vị thế cà phê Sơn La tại thị trường trong và ngoài nước; tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê, động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hoá cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đây là cơ hội giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hoá cà phê, về con người các tiềm năng, thế mạnh và du lịch của tỉnh, tạo dựng hình ảnh Sơn La thân thiện, mến khách, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch đến Sơn La; đẩy mạnh phát triển sản xuất, kết nối cung cầu, đổi mới sáng tạo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương.