Theo Ban Tổ chức, Lễ hội lần này được tổ chức quy mô lớn, thể hiện xu hướng hội nhập quốc tế với phong cách hiện đại làm nổi bật chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới".
Lãnh đạo TP Buôn Ma Thuột cắt băng khánh thành khu vực điểm check in trên tuyến đường đi bộ Phan Đình Giót. |
Từ ngày 10 đến ngày 14/3, khi du khách đến Đường Phan Đình Giót, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột cùng với việc được thưởng thức cà phê miễn phí do 4 đơn vị là: Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 (Simexco Đắk Lắk), Công ty TNHH King Coffee và Công ty TNHH Truyền thông sự kiện Pro (thương hiệu Ama Coffee) thực hiện, du khách còn có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về lịch sử văn hoá cà phê, không gian văn hoá cà phê.
Trong đó, đáng chú ý là chuỗi hoạt động “Simexco Coffee tour” nhằm tôn vinh những nông dân trồng cà phê và chia sẻ hành trình sản xuất cà phê từ nông trại đến người tiêu dùng.
Nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa về hành trình cà phê từ sản xuất đến tiêu dùng sẽ có tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2023 |
Ông Lê Đức Huy - Tổng giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk cho biết, qua các hoạt động trong chuỗi sự kiện "Simexco Coffee tour" như: triển lãm tranh nghệ thuật “Lang thang Ban Mê”, biểu diễn pha chế cà phê truyền thống, cà phê đặc sản, âm nhạc đường phố, Talkshow “Hội nhập cà phê Việt Nam vào xu thế cà phê đặc sản thế giới”, “Hành trình cà phê đặc sản từ nông dân đến cuộc thi Barista vô địch thế giới”, “Nghề cà phê chuyên nghiệp và hoài bão lớn của người làm cà phê”… Simexco Đắk Lắk mong muốn sẽ lan tỏa, kết nối những người yêu cà phê trải nghiệm không gian văn hóa cà phê, khám phá Buôn Ma Thuột - điểm đến của cà phê thế giới.
“Chúng tôi gửi gắm đến câu chuyện của những con người yêu cà phê, chặng đường phát triển của cà phê Việt Nam, cà phê đặc sản. Bên cạnh đó là những mẩu chuyện về người con Ban Mê lập nghiệp trưởng thành quay về vì quê hương phát triển và phong phú hơn gửi gắm đến quý khách 1 không gian văn hoá, không gian âm nhạc của Tây Nguyên giàu bản sắc hoà quyện giữ thủ phủ cà phê, thành phố cà phê Buôn Ma Thuột”, ông Huy nhấn mạnh.
Du khách check in rên tuyến đường đi bộ Phan Đình Giót. |
Dự kiến, Đắk Lắk sẽ đón khoảng 50.000 lượt khách. 37 đoàn khách quốc tế đến từ Đại sứ quán United States, Australia, Mongolia, Maroc, Angola, Saudi Arabia tại Hà Nội; các Tổng Lãnh sự quán India, Cambodia, Cuba, Russia tại Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng lãnh sự quán Laos tại Đà Nẵng. Ngoài ra, hai đoàn nghệ thuật tỉnh Champasak (Laos), Jeollabuk (South Korea) đăng ký tham gia biểu diễn trong lễ hội.
Đặc biệt, đối với tour du lịch trải nghiệm cà phê, Công ty phối hợp với các hộ dân trồng cà phê ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) điều chỉnh thời gian tưới nước để vườn cà phê nở hoa đúng thời điểm diễn ra Lễ hội. Qua đó, du khách có thể chiêm ngưỡng, trải nghiệm quy trình chế biến, rang xay, thưởng thức cà phê ngay tại vườn cùng người dân địa phương. Đây cũng là điểm nhấn nhằm góp phần mang hình ảnh cà phê Đắk Lắk đến đông đảo bạn bè trong nước và thế giới.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, 12 doanh nghiệp lữ hành xây dựng 42 tour du lịch phục vụ du khách trong thời gian diễn ra lễ hội. Có nhiều tour hấp dẫn, đặc sắc, mới lạ, linh động về thời gian, đa dạng sản phẩm, tạo nhiều sự lựa chọn cho du khách gắn với thời gian diễn ra hoạt động của lễ hội.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk có văn bản yêu cầu đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành rà soát chương trình đã có, kiểm tra và chuẩn bị điều kiện tốt nhất phục vụ du khách, đảm bảo an ninh, tuyệt đối an toàn cho du khách; nghiêm túc quán triệt tinh thần, thái độ đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ của nhân viên nhằm để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.