Giá xuất khẩu hạt điều giảm hơn 300 USD/tấn
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hạt điều nhân hàng đầu thế giới. |
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2 (1-15/2), cả nước xuất khẩu 11.836 tấn hạt điều, kim ngạch đạt 64,2 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/2, lượng hạt điều xuất khẩu đạt 76.978 tấn, kim ngạch đạt 415,4 triệu USD. So với cùng kỳ 2023, lượng hạt điều xuất khẩu tăng 80,4% nhưng kim ngạch chỉ tăng 70,24%. Như vậy, ngay trong những tháng đầu tiên của năm, xuất khẩu hạt điều đã tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thấp hơn so với lượng nên trị giá điều xuất khẩu bình quân của mặt hàng này trong hơn 1 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trị giá điều bình quân đầu năm nay đạt gần 5.400 USD/tấn, trong khi cùng kỳ 2023 đạt gần 5.720 USD/tấn (giảm khoảng 320 USD/tấn). Tuy thị trường đang diễn biến thuận lợi, nhưng ngành điều Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024. Trước hết là tình trạng giá điều nhân xuất khẩu vẫn chưa tốt, thậm chí có xu hướng giảm đầu năm nay.
Trong tháng 1, giá điều nhân xuất khẩu đạt bình quân 5.311 USD/tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã dẫn tới tuy cùng tăng trưởng, nhưng mức tăng trưởng về kim ngạch thấp hơn so với tăng trưởng về lượng xuất khẩu. Giá điều thô ở mức chưa phù hợp với giá điều nhân, cũng đang là mối lo lớn với ngành điều.
Nguyên nhân trước hết của tình trạng này là do một số sản xuất điều thô ở châu Phi, do muốn phát triển chế biến trong nước, đã quy định giá xuất khẩu tối thiểu đối với điều thô, áp thuế và nhiều loại phí đối với điều thô xuất khẩu. Điều này khiến cho nhiều nhà xuất khẩu không thể giảm giá bán điều thô cho phù hợp với giá điều nhân trên thị trường thế giới.
Sự phát triển chế biến ở nhiều nước xuất khẩu điều thô, cũng đang từng bước tạo áp lực cho ngành điều Việt Nam, từ việc ngày càng khó mua điều thô hơn đến sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường điều nhân toàn cầu. Như tại Bờ Biển Ngà hiện đang đẩy mạnh phát triển chế biến điều với mục tiêu sẽ chế biến được 500 - 600 nghìn tấn điều thô/năm, tương đương với gần một nửa sản lượng điều thô. Còn tại Campuchia, hiện mới chỉ có khoảng 5% lượng điều thô được chế biến ở trong nước. Campuchia đang thu hút các nhà đầu tư để nâng tỷ lệ điều thô được chế biến.
Năm ngoái, xuất khẩu điều đạt hơn 644 nghìn tấn, kim ngạch đạt 3,644 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18% về kim ngạch so với năm 2022. Đây được xem là mức kim ngạch cao nhất từ trước đến này của ngành điều (cao hơn mức kỷ lục đạt được trước đó vào năm 2021 khoảng 7 triệu USD).
Thị trường xuất khẩu hạt điều khá đa dạng, trong đó những nhà nhập khẩu lớn có thể kể đến như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan… Cụ thể, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 885,5 triệu USD, tăng 5% so với năm 2022 và chiếm 24,3% kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước trong năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 683 triệu USD, tăng 55,23% so với năm 2022, chiếm 18,7% kim ngạch xuất khẩu điều của nước ta. Đây cũng là thị trường tăng ấn tượng nhất trong nhóm 3 thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.
Hà Lan đứng thứ ba với kim ngạch đạt 353 triệu USD, tăng 19% so với năm 2022, chiếm 9,7% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Tuy nhiên, hiện ngành điều vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2023, cả nước nhập khẩu gần 2,77 triệu tấn điều thô nguyên liệu, kim ngạch đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 46,2% về lượng và tăng 19,6% về kim ngạch so với năm 2022.
Dự kiến xuất khẩu hạt điều sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024
Sự khởi sắc của xuất khẩu hạt điều được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2024. |
Sau khi giảm cả về lượng lẫn giá trị xuất khẩu trong năm 2022, đến năm 2023, xuất khẩu hạt điều đã tăng trưởng trở lại và lần đầu tiên vượt mốc 600 nghìn tấn. Sự khởi sắc của xuất khẩu hạt điều được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2024.
Ông Michael Waring - Chủ tịch Hội đồng Hạt và Quả khô Quốc tế (INC), cho biết sản lượng hạt điều toàn cầu đã tăng 65% trong vòng 10 năm qua và trở thành loại hạt khô có nguồn cung lớn thứ 2 trên thế giới, có sức chi phối lớn đến thị trường ngành quả khô.
Về tiêu thụ, sau giai đoạn sụt giảm trong năm 2022, nhu cầu sử dụng các loại hạt nói chung (trong đó có hạt điều) đang có xu hướng tăng trên toàn cầu bởi đây là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng với tình hình kinh tế ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... đang dần được cải thiện, đặc biệt dư địa của hạt điều tại Trung Quốc vẫn còn rất lớn, việc gia tăng lượng tiêu thụ và cải thiện giá bán điều nhân trong thời gian tới là có cơ sở.
Bà Chen Ying - Tổng Thư ký Hiệp hội Hạt Trung Quốc (CNA) thông tin thêm nhu cầu nhập khẩu các loại hạt của Trung Quốc đang có xu hướng tăng lên từ năm 2019 đến nay, kể cả khi nền kinh tế nước này vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau dịch COVID-19.
Trong các loại hạt đang được tiêu thụ nhiều ở Trung Quốc, hạt điều và hạt dẻ cười là hai loại hạt mà thị trường này phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Riêng với hạt điều, 70% lượng hàng nhập khẩu đến từ Việt Nam và vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Nhu cầu tiêu dùng hạt điều tiếp tục xu hướng tăng giúp xuất khẩu điều nhân của Việt Nam khởi sắc ngay từ đầu năm.
Theo Vinacas, sản lượng xuất khẩu hạt điều tháng 1/2024 đạt gần 64.000 tấn điều nhân, thu về 339 triệu USD, tăng 137% về lượng và 125% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đây là khởi đầu thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu 3,8 tỷ USD của ngành điều Việt Nam trong năm 2024.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Công cho rằng nhu cầu thị trường có tốt mà mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp tiếp tục cách làm cũ, chỉ nghĩ đến lợi ích quốc gia mình hay lợi ích của một/một nhóm doanh nghiệp thì vẫn dẫn đến sự gãy đổ cả chuỗi cung ứng điều.
Do đó, hơn lúc nào hết, nhà cung cấp nguyên liệu, nhà môi giới, nhà thu mua, nhà chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ phải bắt tay nhau, cùng định hình lại vai trò, trách nhiệm của mình trong việc liên kết, hợp tác song phương và đa phương. Đặc biệt, sự minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên trong chuỗi giá trị là cơ sở để hợp tác và phát triển bền vững trên tinh thần “cùng thắng". Ngoài minh bạch thông tin thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề sống còn của ngành chế biến điều Việt Nam trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thị trường nhân điều thế giới ngày càng khốc liệt.
Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch thường trực Vinacas, cho biết các cơ quan kiểm soát của Mỹ, các nước EU và cả Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Vinacas đã nhận được văn bản chính thức từ hai hiệp hội ở châu Âu, Mỹ và một số khách hàng lớn cảnh báo về việc an toàn vệ sinh thực phẩm nhân điều Việt Nam đi xuống.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, đối với điều thô trong nước, Vinacas đã phối hợp với địa phương và cơ quan quản lý hướng dẫn, khuyến cáo nông dân, người thu mua, bảo quản kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sâu mọt… Tuy nhiên, điều thô nhập khẩu (chiếm phần lớn trong sản lượng điều chế biến) bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đang nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu Việt Nam. Vì vậy, ngành điều các nước cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đảm bảo chất lượng điều thô.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị đã đến lúc trong hợp đồng mua bán hạt điều thô phải có điều khoản quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu hàng đến Việt Nam, kết quả giám định vượt mức cho phép thì bị trả hoặc bị phạt. Để thực hiện được điều này, các cơ quan có chức năng cần sớm soạn thảo và ban hành Quy chuẩn Quốc gia về hạt điều thô. Đó là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp điều đàm phán, thực hiện hợp đồng với đối tác nước ngoài, phòng tránh rủi ro về chất lượng nguyên liệu gây tổn hại đến uy tín, thương hiệu của ngành điều Việt Nam.