Thời điểm này đang là mua hoa sen, hồ sen rộng hơn 1 mẫu của anh Nguyễn Văn Hòe đang nở rộ. |
Đi làm công ty điện tử nhưng lại nghiên cứu về hoa sen
Thời điểm này đang là mua hoa sen, hồ sen rộng hơn 1 mẫu của anh Nguyễn Văn Hòe ở tổ dân phố Tiền Phong (phường Mai Hùng, TX Hoàng Mai) đang ra hoa rực rỡ một vùng. Kỹ sư 9X tự hào cho rằng đây là kết quả sau 3 năm khởi nghiệp với cây sen.
Năm 2019, sau khi tốt nghiệp ngành điện trường Đại học Lao động xã hội, Hòe có công việc ổn định tại một công ty điện tử tại Hà Nội. Công việc cũng khá "thuận buồm xuôi gió" nhưng anh lại không chọn gắn bó lâu dài.
“Gia đình tôi có truyền thống trồng hoa, cây giống và trồng cả đào nữa. Hiện trong vườn đang có hơn 500 gốc đào. Tôi dành một tình yêu đặc biệt với hoa sen . Từ nhỏ, hình ảnh và hương thơm của hoa sen như ngấm vào máu thịt nên tôi quyết định chọn cây sen quê nhà để khởi nghiệp”, Hòe chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ đến tìm hiểu về mô hình trồng sen của 9X. |
Trong thời gian làm việc tại Hà Nội, những lúc rảnh, Hòe thường lấy xe máy, rong ruổi trên những con đường tìm kiếm, sưu tầm các giống sen và học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa sen. Năm 2020, Hòe quyết định về quê trồng sen.
Về quê khởi nghiệp , Hòe gặp không ít khó khăn, áp lực. “Lúc đó, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, trồng sai và không biết thời điểm gieo trồng thích hợp. Khu vực trồng sen cũng là vùng thấp trũng nên thường xảy ra ngập lụt. Lứa sen đầu tiên, tôi mất trắng. Rút kinh nghiệm, năm thứ hai, tôi trồng sen trên chậu trước sau đó mới cho xuống hồ để trồng…”, Hòe nói về những khó khăn gặp phải khi khởi nghiệp.
Ước mơ về một vùng sen rộng lớn điểm check in lý tưởng
Khởi nghiệp đúng vào giai đoạn dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát mạnh, Hòe gặp khó khi hoa sen thu hoạch không thể bán được. “Dịch bệnh khiến mọi việc ngưng trệ. Việc tiêu thụ sen cũng vì thế mà gặp rất nhiều khó khăn. Các đơn hàng không thể xuất đi vì lệnh cấm theo Chỉ thị 16”, chàng trai 9x tâm sự.
Khởi đầu không mấy dễ dàng, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc vì nhiều yếu tố như thời tiết cực đoan, dịch bệnh… nhưng bằng niềm đam mê với nông nghiệp và sự động viên từ phía gia đình, Hòe lại tiếp tục kiên trì theo đuổi ước mơ của mình.
Khi được hỏi về nguồn vốn , Hòe cho biết, gia đình có nhiều năm trong nghề trồng hoa nên anh áp dụng quy trình “lấy ngắn nuôi dài”, trồng một số hoa ngắn ngày bán để lấy tiền mua giống sen. Đến giờ, theo chia sẻ của chàng trai 9x, anh đã có thể tự chủ động được nguồn giống.
Hiện tại, khi đã vào thời kỳ thu hoạch hoa, mỗi ngày Hòe xuất từ 200 đến 300 bông với giá bán sen cắm bình. |
Sau 3 năm, hồ sen của Hòe đã được phủ kín, tươi mới sắc lá, sắc hoa với hơn 10 loại sen khác nhau như quan âm, sen đỏ, sen vàng, sen nghìn cánh, sen Super,… “Sen trồng khoảng 2 tháng cho thu hoạch bông. Sen tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc. Việc chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh để cây ra hoa đúng thời điểm, đẹp, bền và cho màu chuẩn phải tuân thủ quy trình trồng chặt chẽ, bón phân, xịt thuốc đầy đủ để cây phát triển cho bông đẹp”, Hòe cho hay.
Hiện tại, khi đã vào thời kỳ thu hoạch hoa, mỗi ngày Hòe xuất từ 200 đến 300 bông với giá bán sen cắm bình từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/bông. Mỗi năm, công việc trồng sen bán bông mang lại cho Hòe doanh thu khoảng 70 triệu đồng.
Nhiều bạn trẻ đã chọn đầm sen là điểm check in đây là gợi mở để 9X nghiên cứu triển khai dịch vụ này. |
Nói về hướng phát triển tương lai, Nguyễn Văn Hòe chia sẻ: “Hiện tại, tôi chủ yếu trồng sen bán bông. Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng mô hình, trồng thêm các loại sen lấy hạt, củ. Bên cạnh đó, trên diện tích trồng sen, tôi sẽ kết hợp xây dựng chòi, làm điểm tham quan, trải nghiệm thực tế … thu hút nhiều lượt khách đến tham quan và chụp ảnh dịch vụ”.
Vậy là bằng niềm đam mê với hoa sen, Nguyễn Văn Hòe sẵn sàng đánh đổi 4 năm đại học để đi làm công việc mình yêu thích. Sự kiên trì và kỹ năng của người trồng hoa đã giúp anh biến vùng đất trũng ngập úng thành đầm sen không chỉ đẹp mắt mà còn cho thu nhập cao. Có ước mơ và dám dấn thân đã giúp chàng trại trẻ tạo nên cơ hội làm giàu ngay chính đồng đât quê nhà./.