“Tuồn” đất đá thải đến vị trí không có trong quy hoạch khác với “rút ruột” đất đắp nền đường
Như Thương hiệu và Sản phẩm đã thông tin ở các bài viết Thanh Hóa: Nhiều bất cập trong hoạt động tận thu đất, đá trong dự án phản ánh về tình trạng khai thác đất cũng như công tác quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên tại dự án cao tốc Bắc- Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 (chạy qua khu vực Ninh Bình – Thanh Hóa) đang có nhiều bất cập khiến dư luận bức xúc.
Tại bài viết Kỳ 2: Nhà thầu có đang trục lợi từ việc hạ cốt nền dự án? Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã thông tin về nội dung trả lời của ông Nguyễn Khắc Trung, Phó Giám đốc Điều hành dự án (Ban Quản lý dự án Thăng Long).
Với câu trả lời của ông Nguyễn Khắc Trung, Phó Giám đốc Điều hành dự án (Ban Quản lý dự án Thăng Long) có thể thấy rằng công tác quản lý nguồn nguyên liệu tại dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45 đang tồn tại nhiều bất cập, dẫn tới việc mỗi ngày có hàng trăm nghìn m3 đất đá đang được các đối tượng lợi dụng “tuồn” ra bên ngoài sai quy định.
Xe chở đất từ dự án đến vị trí Khu dân cư phía Đông huyện Hà Trung, Nhà máy gạch Tuynel Hà Trung |
Tại bài viết Kỳ 3: Hàng triệu m3 đất, đá thải đang được nhà thầu “tuồn” đi đâu? Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã thông tin về việc những chiếc xe từ dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45 đổ đất, đá thải tại các vị trí Khu dân cư phía Đông huyện Hà Trung, Nhà máy gạch Tuynel Hà Trung. Đáng nói trong thư trả lời cung cấp thông tin cho Báo chí phía Ban Quản lý dự án Thăng Long không cung cấp được bất cứ một văn bản chấp thuận nào của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cấp phép cho các nhà thầu đưa “đất thải” đổ nhà máy gạch Tuynel Hà Trung và san lấp tại khu dự án dân cư phía Đông Hà Trung.
Ban Quản lý chỉ đưa ra một danh sách các điểm đổ thải và khẳng định đã được tỉnh chấp thuận trong đó có hai địa điểm đổ mà phóng viên đã phản ánh. Danh sách bãi đổ thải mà Ban Quản lý cung cấp được soạn trong một văn bản Word không hề có dấu, số hiệu Công văn, chữ ký… và điều hiển nhiên danh sách này không hề có giá trị về pháp lý.
Như vậy thông tin của Thương hiệu và Sản phẩm là rất rõ ràng về tình trạng có hay không mỗi ngày có hàng trăm nghìn m3 đất đá đang được các đối tượng lợi dụng “tuồn” ra bên ngoài và đưa đến các điểm đổ đất, đá thải không nằm trong quy hoạch tại dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45.
Tuy nhiên mới đây Báo Giao thông đăng tải bài viết “Không có chuyện “rút ruột” đất đắp nền thi công cao tốc Mai Sơn - QL45” với thông tin: “Vừa qua, phương tiện truyền thông đăng tải hình ảnh một số xe tải chở vật liệu thải tại công trường dự án cao tốc Bắc - Nam ra khỏi công trường đổ ra tại một số vị trí không thuộc phạm vi thi công và cho rằng, các nhà thầu đang “rút ruột” nguồn vật liệu đất đắp thi công nền đường tại dự án”.
Sau đó Báo này dẫn lời ông Lương Văn Long - Giám đốc điều hành dự án với nội dung được lái sang chuyện “nhà thầu rút ruột đất đắp nền đường tại dự án” và khẳng định: “Không có chuyện nhà thầu rút ruột đất đắp nền đường tại dự án. Các thông tin đăng tải trên một số phương tiện truyền thông vừa qua hoàn toàn sai sự thật, không phản ánh đúng bản chất vấn đề” và nội dung bài viết có kèm ảnh của TH&SP.
TC Thương hiệu và Sản phẩm khẳng định đến nay tòa soạn chưa đăng tải nội dung hoặc “cho rằng các nhà thầu đang “rút ruột” nguồn vật liệu đất đắp thi công nền đường tại dự án” như Báo Giao thông và Ban Quản lý dự án Thăng Long đang cố tình “gắn mồm” cho TC Thương hiệu và Sản phẩm và một số phương tiện truyền thông hoặc lèo lái để dẫn dắt dư luận nhìn theo hướng khác.
Xin nhắc lại, TC Thương hiệu và Sản phẩm chỉ quan tâm đến việc có hay không số đất đá thải đang được đưa đến các điểm đổ đất, đá thải không nằm trong quy hoạch để kiếm lời bất chính. Nếu là thật thì ngoại trừ việc làm trái quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa về vị trí điểm đỗ thải đã được phê duyệt và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc làm này còn có nguy cơ dẫn đến thất thoát về ngân sách nhà nước khi các giao dịch “ngầm” trên không mất một đồng thuế nào?.
Dấu hiệu trục lợi từ hàng triệu m3 đất, đá thải
Trước đó, nhóm Phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã có gần 1 tháng bám sát và theo dõi quá trình hoạt động của đoàn xe tải chở đất phục vụ cho việc hạ cốt nền, san lấp mặt bằng tại dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45.
Mỗi ngày có hàng chục chiếc xe tải cỡ lớn nhãn hiệu HOWO mang logo của nhà xe HN và đầu trâu… mang biển kiểm soát: 36C 27215, 36C 16466, 36C 23906, 35C 01262, 36H 0069, 36C 17583, 36C 28988… Liên tục nối đuôi nhau vào khu vực dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45 đang tiến hành múc đất hạ độ cao của những quả đồi phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng để “ăn đất”. Sau khi được đắp đất đầy có “ngọn” lên thùng và được che đậy sơ sài bằng các tấm bạt cũ nát, những chiếc xe này chạy ra khỏi dự án di chuyển vào tuyến đường 217B thuộc địa phận huyện Hà Trung.
Tận mắt chứng kiến mỗi ngày có hàng chục chiếc xe thi nhau vào “ăn đất” rồi lại chạy đi đổ vào các nhà máy gạch, đem đất đi san lấp tại các Dự án khác mà không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Phóng viên đã có ý kiến với ông Nguyên khắc Trung - Phó Ban Quản lý Điều hành dự án (ban quản lý dự án Thăng Long) về việc các xe chở đất đi đổ ở những vị trí nêu trên là đúng hay sai và có được cơ quan chức năng cấp phép hay không?
Ông Trung cho biết: “Những điểm đổ đất, đá thải nêu trên là đúng quy định và đã được tỉnh chấp thuận bằng văn bản”. Tuy nhiên tại buổi làm việc khi phóng viên yêu cầu được tiếp cận với những tài liệu, văn bản liên quan đến việc UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho những vị trí đổ thải trên thì được phía Ban Quản lý hẹn sẽ cung cấp qua Gmail.
Đến ngày 02/06/2021 chúng tôi nhận được thư trả lời cung cấp thông tin cho Báo chí từ phía Ban Quản lý dự án. Thế nhưng sau khi tiếp cận và nghiên cứ hồ sơ chúng tôi phát hiện nhiều điểm bất thường, ngược lại hoàn toàn với những gì ông Trung đã trả lời trước đó.
Cụ thể, theo tài liệu Ban Quản lý dự án Thăng Long cung cấp cho Phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm có Công văn số 3798/UBND- CN ngày 27/03/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc nguồn vật liệu, bãi đổ thải, vị trí trạm trộn phục vụ dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Mai Sơn- QL 45.
Tại Công văn này UBND tỉnh Thanh Hóa có ý kiến như sau: Thống nhất vị trí một số mỏ, bãi tập kết vật liệu, bãi đổ thải như đã đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa tại công văn số 1810/STNMT- TNKS ngày 25/03/2020. Đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long nghiên cứu nội dung văn bản nêu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường để chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, bổ sung thêm các vị trí bãi đổ thải, xác định cụ thể vị trí đặt trạm trộn, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường.
Tại Công văn số 3798/UBND- CN UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có nội dung đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long rất rõ ràng và cụ thể ..."rà soát, bổ sung thêm các vị trí bãi đổ thải, xác định cụ thể vị trí đặt trạm trộn, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường".
Trước đó, tại Văn bản số 1810/STNMT-TNKS ngày 25/3/2020 của Sở Tài Nguyên và Môi trường tình Thanh Hóa đối với nội dung bãi đổ thải Sở Tài Nguyên và Môi trường có đề nghị rất rõ: "Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa không thống nhất 03 bãi đổ thải thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, Lý do: Các khu vực trên (Bãi đổ thải Đồng Hang; Bãi đổ thải Giang Sơn 9 và Bãi đổ thải thôn Chí Cường - PV) thuộc quy hoạch đất ở, đất tín ngưỡng, đất nghĩa trang, việc đổ thải sẽ ảnh hưởng đến thực hiện quy hoạch sử dụng đất và mội trường, cảnh quan khu vực".
UBND tỉnh đã đồng ý với đề nghị trên của Sở Tài Nguyên và Môi trường (Công văn số 3798/UBND- CN ngày 27/03/2020), Ban Quản lý dự án Thăng Long cũng đã nghiêm túc thực hiện không đổ đất, đá thải tại 03 vị trí tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Phóng viên Ban Quản lý dự án Thăng Long thực hiện đổ đất, đá thải tại các vị trí Khu dân cư phía Đông huyện Hà Trung, Nhà máy gạch Tuynel Hà Trung.
Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 18. Sửa đổi, bổ xung Điều 20 như sau: Bổ sung khoản 9a vào trước khoản 9, đối với hành vi thu gom, vận chuyển, xử lý bùn thải từ bể tự hoại, bùn thải từ hệ thống thoát nước đô thị không đúng quy định về bảo vệ môi trường được áp dụng hình thức xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Trong đó, mức phạt cao nhất từ 200 - 250 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn thông thường đặc thù, sản phẩm thải lỏng không nguy hại từ 100.000kg trở lên, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường. Tịch thu phương tiện vi phạm hành chính đối với một số trường hợp vi phạm. Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu, chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng xử lý. Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành. |