Đến cuối tháng 8, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh Kiên Giang khoảng 128.475 ha, đạt hơn 98% kế hoạch năm 2020, tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nuôi tôm công nghiệp 2.940ha, nuôi quảng canh cải tiến 27.814 ha và tôm - lúa 97.721 ha. Sản lượng tôm thu hoạch đến nay hơn 66.570 tấn, đạt 78,3% kế hoạch năm 2020, tăng gần 12% so với cùng kỳ.
Diện tích thả nuôi tôm của tỉnh Kiên Giang tăng mạnh
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, khung lịch thời vụ thả giống theo mô hình sản xuất tôm - lúa tại các huyện vùng U Minh Thượng và ven sông Cái Lớn thuộc Tây sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh đến nay sắp hết lịch thời vụ, nông dân tiến hành thu hoạch tôm dứt điểm để cải tạo đất gieo trồng lúa.
Mặt khác, tỉnh tập trung thả giống tôm ở những vùng sản xuất trọng điểm để hoàn thành kế hoạch diện tích thả nuôi năm 2020 là 130.700 ha, đạt và vượt sản lượng tôm thu hoạch 85.000 tấn.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong thời gian tới, thời tiết sẽ tiếp tục diễn ra mưa nhiều làm nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, độ trong, pH trong ao nuôi tôm giảm thấp, nước ngọt và thiếu khoáng vi lượng làm tôm giảm ăn, mềm vỏ, lột dính, suy giảm sức đề kháng, mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Vì vậy, hộ nuôi tôm cần phải thực hiện các biện pháp quản lý ao nuôi tổng hợp, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, quan trắc môi trường, giám sát mầm bệnh để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.
Người nuôi tôm tại Kiên Giang thời gian qua đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, hạn chế những tác động bất lợi từ môi trường
Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo hộ nuôi tôm cập nhật kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường để lấy được nước chất lượng tốt nhất vào ao nuôi tôm, bố trí ao chứa, ao lắng để dự trữ nước và xử lý diệt khuẩn thật kỹ trước khi đưa vào ao nuôi tôm. Tiếp đến, rải vôi xung quanh ao, bờ bao trước và sau cơ mưa để duy trì hệ đệm cũng như ổn định pH trong ao. Trong cơn mưa lớn cần tăng cường quạt nước, sục khí ao nuôi tôm để xáo trộn nước hoặc rút bớt nước tầng mặt để tránh hiện tượng phân tầng. Sau cơn mưa cần giảm lượng thức ăn và bổ sung thêm các yếu tố vi lượng, khoáng, vitamin để tăng sức đề kháng cho tôm.
Các địa phương phân công cán bộ Tổ kinh tế kỹ thuật xã đã bám sát địa bàn hướng dẫn nông dân thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của tôm, bổ sung thêm khoáng vi lượng, vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi, kiểm tra các yếu tố môi trường để kịp thời điều chỉnh, phát hiện kịp thời những tình huống xấu, bất lợi gây hại tôm nuôi để xử lý nhanh, nhất là dập tắt ổ dịch bệnh mới phát sinh, không để lây lan trên diện rộng.
Từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại hơn 10.084 ha. Trong đó, thiệt hại do sốc môi trường khoảng 9.590 ha, còn lại là bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính. Do vậy, tình hình thời tiết trong những tháng còn lại cuối năm 2020 dự báo tiếp tục sẽ diễn biến phức tạp nên nguy cơ các yếu tố môi trường phát sinh những bất lợi cho tôm dẫn đến sốc môi trường gây hại tôm nuôi là rất cao.
Mai Quỳnh