Theo kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, UBND tỉnh đã đưa ra mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại mà vẫn đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo, góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo ra sự cạnh tranh, thúc đẩy nền kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân.
Kiên Giang phấn đấu đến năm 2030 có 14.000 lồng nuôi biển |
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh Kiên Giang có số lượng lồng nuôi biển là 7.500 lồng, trong đó nuôi cá lồng truyền thống là 4.700 lồng; nuôi cá lồng công nghệ cao là 1.900 lồng; nuôi thủy sản khác là 900 lồng. Diện tích mặt nước nuôi lồng là 7.000 ha; thể tích nuôi lồng là 2.984 nghìn m3. Diện tích nuôi nhuyễn thể là 25.500 ha. Sản lượng nuôi biển đạt 113.720 tấn, trong đó nuôi lồng bè là 29.870 tấn, nuôi nhuyễn thể là 83.850 tấn. Giá trị sản xuất có thể đạt tới 7.546 tỷ đồng, tăng 5.163 tỷ đồng so với năm 2010, tốc độ tăng trường bình quân giai đoạn 2020-2025 là 24,2%/ năm.
Đến năm 2030, toàn tỉnh có số lượng lồng nuôi biển là 14.000 lồng; trong đó nuôi cá lồng truyền thống là 5.300 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao là 6.600 lồng và nuôi thủy sản khác là 2.100 lồng. Diện tích mặt nước nuôi lồng là 16.000 ha; thể tích nuôi lồng là 9.310 nghìn m3. Diện tích nuôi nhuyễn thể là 26.900 ha. Sản lượng nuôi biển đạt 207.180 tấn; trong đó nuôi lồng bè là 105.720 tấn, nuôi nhuyễn thể là 101.460 tấn. Giá trị sản xuất có thể đạt tới 19.487 tỷ đồng tăng 15.295 tỷ đồng so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 24,3%/năm.
Kế hoạch đưa ra một số những tiêu chí như, khu nuôi biển phải nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh hoặc cơ quan thẩm quyền cho phép. Lồng bè nuôi phải được đặt ở những khu vực thoáng có dòng chảy thẳng và liên tục, tránh nơi tập trung đông dân cư và tàu thuyền qua lại nhiều và không bị ô nhiễm có chất nước phù hợp với đối tượng thủy sản nuôi.
Tránh nơi gần bến cảng, nơi có sóng và gió lớn, nơi có nhiều rong và thực vật thủy sinh; Khung lồng, phao, lưới, đăng quầng phải làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi và không để thủy sản nuôi sống thoát ra môi trường; có thiết bị cảnh báo cho hoạt động giao thông thủy; nơi chứa rác thải phải riêng biệt với nơi chứa, nơi xử lý thủy sản chết, không làm ảnh hưởng đến môi trường; Diện tích đặt lồng bè nuôi không quá 05% diện tích nước nuôi, độ mặt nước và độ sâu phải thích hợp. Khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể tuân thủ các quy định về quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh...