Mô hình nuôi dê nhốt chuồng của Tổ hợp tác nuôi dê, xã Phú Long, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. |
Nuôi dê theo quy trình cho lớn nhanh đẻ khỏe
Phú Long là xã vùng sâu của huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) vốn chỉ quen với thửa ruộng, mảnh vườn. Những năm gần đây, ngoài cây lúa, nông dân còn phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế khá, trong đó có mô hình nuôi dê nhốt chuồng.
Anh Trần Văn Giang được biết đến là một trong những người tiên phong phát triển mô hình nuôi dê ở xã Phú Long. Trước khi tiếp cận mô hình này, anh đã có nhiều năm gắn bó với việc chăn nuôi bò. Nhận thấy nuôi dê có nhiều ưu điểm nên năm 2014 đã mạnh dạn chuyển đổi chuồng trại để nuôi dê.
Lựa chọn giống dê boer lai làm đối tượng chăn nuôi, anh Giang cho biết, đây là giống gia súc dễ nuôi, ít bệnh, tăng trọng nhanh, vốn đầu tư thấp. Thức ăn cho dê dễ tìm, chủ yếu là các loại rau, cỏ phổ biến tại địa phương. Mặt khác, dê được nuôi theo hình thức nhốt chuồng hiệu quả hơn so với việc nuôi thả lan.
Trong quá trình nuôi, có thể bổ sung lượng thức ăn phù hợp cho dê mau lớn, cũng như kiểm soát được chất lượng con giống.
Dê dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, đầu ra ổn định… nên được nông dân xã Phú Long (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) lựa chọn để chăn nuôi. |
Tuy nhiên, anh Giang lưu ý, nên xử lý thức ăn (rau, cỏ) khô ráo trước khi cho ăn. Mục đích nhằm phòng ngừa bệnh tiêu chảy, có thể gây chết dê, nếu không phát hiện kịp thời. Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi, cần phải tiêm ngừa phòng bệnh tụ huyết trùng và các bệnh truyền nhiễm khác…
Dê boer lai từ lúc sinh đến khi xuất chuồng khoảng 8 - 9 tháng. Đây là thời điểm dê cái có thể sinh sản. Dê mang thai 4 tháng bắt đầu đẻ, hơn 6 tháng sau là có thể tiếp tục sinh sản, mỗi lứa dê đẻ từ 1 - 3 con. “Hiện, giá dê thịt khoảng 80.000 đồng/kg. Nếu dê tự sinh sản, sau khi trừ chi phí, còn lãi trên 2 triệu đồng/con. Nếu nuôi dê vỗ béo thì mức giá này người nuôi không có lãi” - anh Giang thông tin.
Nhờ thời gian nuôi ngắn, anh Giang có thể quay vòng vốn nhanh, tận dụng được thời gian lao động nông nhàn. Hiện, đàn dê của anh Giang khoảng 220 con. Dê được anh Giang bán cho các cửa hàng, quán ăn trong xã và huyện ở TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên, TP. Cần Thơ… Với những thành công từ mô hình, anh Giang dự định mở rộng diện tích, tăng đàn dê trong thời gian tới.
Không mạnh ai nấy làm, người nuôi dê liên kết để chủ động
Từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng của anh Trần Văn Giang, nhiều nông dân trong xã Phú Long đến học tập kinh nghiệm, mạnh dạn xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Long Trần Văn Tươi cho biết, khởi đầu, các hộ nuôi dê phát triển số lượng nhỏ lẻ, một số hộ nuôi khá thành công, đạt hiệu quả kinh tế và nhân đàn nhanh chóng.
Trong khi đó, vẫn có một số hộ bán dê thịt với giá không cao, nguồn con giống chưa chất lượng và chưa liên kết đầu ra ổn định. Từ thực tế đó, Hội Nông dân xã Phú Long đã thành lập Tổ hợp tác nuôi dê xã Phú Long với sự tham gia của 9 thành viên.
Hiện nay, số lượng thành viên trong tổ tăng lên 15 người. Định kỳ mỗi tháng, các thành viên họp mặt 1 lần. Thông qua các buổi gặp gỡ, thành viên được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi; các vấn đề liên quan đến sinh sản, thức ăn.
Mô hình chăn nuôi dê thịt và dê giống ở xã Phú Long đã giúp nhiều người dân cải thiện thu nhập. |
Các thành viên còn được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi; được cung cấp con giống chất lượng. Đồng thời, được cung cấp thông tin giá cả thị trường, giúp việc buôn bán đảm bảo hơn...
Ngoài cập nhật, nâng cao kiến thức chăn nuôi, nhiều nông dân còn được tiếp cận nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn ủy thác qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư sản xuất, nhân rộng đàn nuôi. Nhờ vậy, thu nhập của thành viên được nâng lên, đời sống ngày càng cải thiện…
Hiện nay, trên địa bàn xã Phú Long có khoảng 20 hộ chăn nuôi dê theo hình thức nhốt chuồng, trong đó có 15 hộ tham gia Tổ hợp tác nuôi dê xã Phú Long, số lượng dao động 500 - 700 con.
Nhờ mạnh dạn đưa con dê về nuôi, người dân xã Phú Long đã có sinh kế mới. Nuôi dê theo quy trình vừa tận dụng thức ăn và chủ động thúc đảy dê phải triển theo từng giai đoạn. Dê ít bệnh tật, đẻ khỏe cho chất lượng con giống cao. Người nuôi dê còn liên kết để hỗ trợ và kết nối tiêu thụ một cách chủ động nhờ đó con dê đã đem lại lợi nhuận cao và nhiều hộ dân tiếp tục mở rộng quy mô./.