Giá dê thấp kỷ lục người chăn nuôi ở Đồng Nai gồng mình gánh lỗ. |
Cắm sổ đỏ vay vốn nuôi dê giờ lo tay trắng
Huyện Cẩm Mỹ có nhiều hộ dân sống bằng nghề nuôi dê. Những ngày này, gia đình chị Hồ Nàm Hỉnh (xã Lâm San) rất lo lắng vì tiền lãi ngân hàng đang là áp lực không nhỏ. Năm 2019, gia đình chị Hỉnh thế chấp sổ đỏ để vay 700 triệu đồng đầu tư nuôi đàn dê. Sau thời gian nuôi dê, gần đây chị Hỉnh quyết định nhập thêm 300 con dê đực với giá 160.000 đồng/kg.
Không như chị Hỉnh kỳ vọng, giá dê hơi liên tục giảm, hiện chỉ còn 70.000 đồng/kg. Chị Hỉnh gọi thương lái tới bán lỗ và giảm tổng đàn xuống còn 100 con. Thế nhưng, thương lái thì chẳng tới thu mua, còn tiền nợ vẫn đều đặn phải trả khiến chị Hỉnh sốt ruột.
Đàn dê tới kỳ xuất bán, Chị Hỉnh vẫn chưa thấy thương lái tới thu mua. |
Chị Hỉnh chia sẻ: "Chưa gặp tình trạng này bao giờ, dù tôi nuôi bao nhiêu năm rồi. Bây giờ như vậy thì trắng tay, không biết phải làm sao. Chắc tôi không có khả năng để trả".
Tương tự, gia đình anh Vòng Bành Xìn (xã Lâm San) cũng đang đứng ngồi không yên. Tổng đàn dê của gia đình anh Xìn là 400 con. Năm 2022, anh Xìn vay ngân hàng gần 500 triệu đồng để nuôi dê. Do giá ngày càng giảm, anh Xìn càng nuôi càng lỗ. Với tình trạng như hiện nay, mỗi con dê xuất bán thì anh Xìn lỗ gần 2 triệu đồng. Đầu ra khó khăn, chăn nuôi thua lỗ, việc trả nợ ngân hàng đối với anh Xìn đang rất nan giải.
Hệ lụy từ nuôi dê ồ ạt phó mặc cho thị trường
Trước đây, dê được xem là loại vật nuôi xóa đói, giảm nghèo vì dễ chăm sóc, thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc chăn nuôi ồ ạt, đầu ra trôi nổi, không có nơi thu mua ổn định khiến người nuôi dê thường rơi vào cảnh thua lỗ.
Huyện Cẩm Mỹ có tổng đàn dê khoảng 68 ngàn con, giảm gần 5 ngàn con so với cùng kỳ, tập trung tại các xã Lâm San, Xuân Tây, Sông Ray… Hiện giá dê đực giống đẹp được thương lái thu mua với giá dao động từ 82 đến 84 ngàn đồng/kg, dê thương phẩm 35kg trở xuống có giá từ 65 đến 68 ngàn đồng/kg, thấp hơn 2-3 ngàn đồng so với cách đây 4 tháng và thấp gần 1 nửa so với cùng kỳ. Dê trọng lượng lớn hơn được mua giá thấp hơn, hoặc không thu mua.
Theo nhiều hộ chăn nuôi, giá dê có tăng nhẹ vài ngàn đồng/kg được khoảng hơn 1 tuần, tuy nhiên những ngày gần đây lại rớt giá như cũ. Cũng theo nhiều hộ nuôi dê lâu năm, chưa bao giờ giá dê thấp và hồi phục chậm như hiện nay. Đây cũng là mức giá thấp kỷ lục so với nhiều năm trước đây.
Huyện Cẩm Mỹ có tổng đàn dê khoảng 68 ngàn con, giảm gần 5 ngàn con so với cùng kỳ. |
Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch nông dân xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ cho biết: “Hiện nay tổng đàn dê trên địa bàn xã Lâm San cũng rất là nhiều. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, một số hộ gia đình cùng chăn nuôi tập trung trang trại có đàn 300 đến 500 con. Hiện nay tình hình giá dê rớt xuống quá sâu và kéo dài đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống người chăn nuôi. Nông dân chăn nuôi dê lúc này cực kỳ gặp nhiều khó khăn”
Huyện Cẩm Mỹ có tổng đàn dê 74 ngàn con, tập trung tại các xã Lâm San, Xuân Tây, Sông Ray... Cuối năm 2021, tình trạng dê rớt giá, không người thu mua đã xảy ra. Tuy nhiên, do việc nuôi ồ ạt, đầu ra bán trôi nổi, không có nơi thu mua ổn định. Phụ thuộc mạnh vào thị trường Trung Quốc nên tình trạng tiếp tục xảy ra, khiến người chăn nuôi thua lỗ nghiêm trọng.
Cũng như nhiều vật nuôi khác, con dê cũng đang đối mặt với tình trạng rớt giá khiến người chăn nuôi gặp khó khăn. Giải pháp cho người nuôi dê nói riêng và ngành chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai lúc này là tận dụng thức ăn có sẵn để nuôi dê nhằm giảm chi phí. Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân không nên tăng đàn ồ ạt mà cần chú ý tới việc nâng cao kỹ thuật và chất lượng trong quá trình chăn nuôi. Về lâu dài, người nuôi dê cần áp dụng khoa học công nghệ mới vào trong chăn nuôi để đảm bảo chất lượng vật nuôi ở mức tốt nhất, đồng đều. Ngoài ra, việc chăn nuôi dê cũng cần phải gắn với khâu chế biến và thị trường tiêu thụ./.