Khẩn trương hoàn thành nhập gạo dự trữ quốc gia |
Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới đây đã có văn bản yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực khẩn trương triển khai hoàn thành kế hoạch lương thực được giao năm 2023.
Theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện các giải pháp, khẩn trương hoàn thành nhập gạo theo hợp đồng đã ký; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền;
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường lương thực và dự báo, đánh giá những tác động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng mua gạo dự trữ quốc gia đã ký để chủ động có giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ hàng dự trữ quốc gia; báo cáo, tham mưu cho Tổng cục trong chỉ đạo điều hành nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động rà soát, cân đối nguồn lực dự trữ quốc gia để kịp thời tham mưu cho Tổng cục trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch mua tăng nếu thấy cần thiết; đảm bảo mức tồn kho dự trữ quốc gia, đáp ứng chủ động sẵn sàng, ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống đột xuất cấp bách; không để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh...
Về phía Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã tăng cường phổ biến, quán triệt tới từng cán bộ, công chức, người lao động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật dự trữ quốc gia, của Bộ Tài chính và của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trong nhập, xuất, bảo quản, bảo vệ, đảm bảo an toàn về số lượng và chất lượng hàng dự trữ quốc gia;
Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho người dân; nghiêm cấm mọi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định, đúng thẩm quyền của đơn vị.
Tổng cục đã chủ động rà soát, cân đối nguồn lực lương thực dự trữ quốc gia; đảm bảo duy trì mức tồn kho hợp lý, đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ theo mục tiêu quy định, chủ động, ứng phó nhanh, hiệu quả trong mọi tình huống đột xuất cấp bách, không để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo.
Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước theo dõi sát diễn biến của thị trường, dự báo tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh lương thực, nhu cầu xuất cấp của các địa phương để phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan, kịp thời tham mưu trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch và dự toán năm 2023 để mua bổ sung lương thực dự trữ quốc gia nếu thấy cần thiết;
Đồng thời xây dựng kế hoạch mua lương thực năm 2024 với mức dự trữ phù hợp, đảm bảo nguồn lực dự trữ sẵn sàng thực hiện xuất cấp kịp thời theo quyết định của cấp có thẩm quyền và góp phần tham gia bình ổn thị trường khi cần thiết.
Tổng cục cũng bám sát và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trúng thầu, khẩn trương hoàn thành nhập kho dự trữ số lượng gạo theo hợp đồng đã ký kết; thực hiện công tác bảo quản, bảo vệ an toàn số lượng, chất lượng hàng dự trữ quốc gia, tạo mọi điều kiện cho các nhà thầu trong thực hiện hợp đồng gạo...
Trước đó, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15.8, đề cập tới câu chuyện nguồn cung lúa gạo và an ninh lương thực, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, vừa qua một số nước cấm xuất khẩu gạo đem lại cho Việt Nam cơ hội, song đề nghị "cần hết sức bình tĩnh". Theo ông, mọi vấn đề đều có mặt trái, nếu không quản lý tốt mà chỉ nói một phía sẽ không toàn diện bức tranh thực tế.
Bộ trưởng Hoan dẫn công điện của Thủ tướng về vấn đề này, nhấn mạnh ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực. Bên cạnh đó, cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. Bởi giá tiêu dùng trong nước tăng sẽ ảnh hưởng tới một số nhóm đối tượng người dân, nhất là người thu nhập thấp.
"Ở thời điểm này, nếu không có thiên tai, biến đổi khí hậu không bất thường như vài năm qua, thì đảm bảo tiêu dùng trong nước và 7 - 8 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Năm ngoái xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, năm nay vẫn còn dư địa cho xuất khẩu", ông Hoan nói.
Liên quan đến vấn đề này, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cung ứng lương thực thực phẩm tại nhiều quốc gia bị đứt gãy, giúp ngành lúa gạo Việt Nam hưởng lợi, đơn hàng tăng. Ngoài Philippines, Trung Quốc và EU cũng đang tăng mạnh nhập hàng chất lượng từ Việt Nam. Các nhà xuất khẩu nói chung đang không đủ cầu nên giá gạo có thể tăng tiếp từ nay tới cuối năm.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 8/2023, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 456.768 tấn, với trị giá đạt trên 266 triệu USD. Điều này cho thấy, giá xuất khẩu gạo bình quân trong giai đoạn này là trên 582 USD/tấn, tức tăng đáng kể so với con số 543 USD/tấn của tháng 7 và 534 USD/tấn của 7 tháng đầu năm nay. |