Hàng nghìn gốc đào Tết ở Thái Bình bỗng nhiên chết khô, người dân chặt bỏ chất đống. |
Đào Tết chết khô chất đống
Trên địa bàn P.Hoàng Diệu (TP.Thái Bình) có gần 200 hộ trồng đào, tổng diện tích khoảng 16 hecta. Năm nay các hộ trồng khoảng hơn 40.000 gốc đào thế lẫn đào thường để cung cấp ra thị trường Tết Nguyên đán năm 2023.
Tuy nhiên, không rõ nguyên nhân tại sao nhưng đến thời điểm này đã có hơn 1.000 gốc đào của khoảng 150 hộ trồng đào bị chết, người dân phải phá bỏ.
Người trồng đào rớt nước mắt khi hàng nghìn gốc đào bống dưng héo lá, rồi chết khô. |
Ông Vũ Duy Phiên, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp P.Hoàng Diệu thông tin, nhà ông cũng có cả trăm cây đào đang héo, chết. Với 100 gốc đào chết, gia đình ông ước tính thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
Theo ông Phiên, năm nay, các hộ trồng hơn 40 nghìn gốc đào, trong đó có khoảng 11.000 - 12.000 gốc đào thế, còn lại là đào thường để cung cấp ra thị trường Tết 2023. Người trồng đào gặp vô vàn khó khăn, giờ họ đang cố phục hồi, chăm sóc những gốc đào còn sót lại nhưng khả năng cao nếu những gốc còn sống sót cũng khó có thể nở vào đúng dịp hoặc hoa sẽ không được đẹp như những năm trước.
Theo người dân trồng đào ở làng đào Sa Cát, đây là một hiện tượng hiếm gặp. Người dân suy đoán, có thể do thời tiết năm nay mưa nhiều, dẫn tới cây đào bị úng nước đến chết.
Những gốc đào trị hàng vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng bị chết khô. |
Người trồng đào trắng tay vụ Tết
Trong vườn nhà ông ông Nguyễn Văn Phương (65 tuổi, trú tại P.Hoàng Diệu) có hơn 300 gốc đào, chủ yếu đào thế đang xanh mướt bỗng nhiên gần 1 tháng trở lại đây các cây bỗng trở nên héo rũ khiến vợ chồng ông mất ăn mất ngủ. Ông Phương nhớ lại những năm trước, mỗi vụ đào ông thu về khoảng gần 700 triệu đồng tiền lãi, nhưng năm nay ông xác định mất trắng.
Theo ông Phương suy đoán, có thể sau những trận mưa dồn dập tháng 9 vừa qua nước không rút nhanh khiến các gốc đào bị úng nước. Từ một cây xanh, tốt thì lá cứ lụi dần và héo úa, chết rễ. Vào thời điểm này hàng năm, ông phải thuê người phủ rơm rạ ở gốc đào để giữ nước cho cây.
Tuy nhiên, năm nay thân cây khô dần, lá héo, những gốc đào tiền triệu, nay chỉ còn là đống củi khô, nhiều hộ dân đến xin đào gốc mang về làm củi. Đến thời điểm này, ông Phương ước tính thiệt hại khoảng gần 1 tỉ đồng tiền chi phí chăm sóc.
Nhà ông Vũ Ngọc Tĩnh (tổ 9, P.Hoàng Diệu) năm nay cũng trồng hơn 200 gốc đào nhưng đến giờ số cây héo, chết đã quá nửa. Theo ông Tĩnh, mỗi cây, ông đã bỏ ra gần 3 triệu đồng tiền chăm, sóc và bón phân, nhưng đến thời điểm này ông xác định năm nay sẽ mất trắng toàn bộ.
Tuy nhiên, điều ông Tĩnh mang thêm nỗi lo khác, đó là hàng năm, sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều khách gửi đào nhờ ông chăm sóc. Bây giờ gặp phải tình huống này, ông không biết lấy đâu ra đào để bồi thường cho khách hàng.
Nhiều hộ trồng đào đầu tư hàng tỷ đồng cho vụ đào Tết nay trắng tay đang gặp vô vàn khó khăn. |
Đối với những hộ dân trồng cây cảnh chơi Tết Nguyên đán thì vụ thu hoạch cuối năm được họ đầu tư nhiều công sức và tiền của. Tuy nhiên, tình thế như hiện nay khiến nhiều hộ dân trồng đào xem như mất Tết.
Nhưng khổ sở nhất là những hộ nhận chăm đào thuê cho các các cơ quan, doanh nghiệp thuê trưng Tết. Không giấu vẻ lo âu, ông Vũ Duy Phiên than thở: Mọi năm, vừa bán vừa cho thuê, vừa chăm đào ký gửi nhiều nhà thu khoảng 600 đến cả tỷ đồng. Năm nay cây chết phải đào gốc bỏ đi, cho người dân về làm củi, không vớt vát được đồng nào. Nhưng lo nhất là khách quen đã đặt tiền trước, khách gửi gốc thuê mình chăm sóc giờ không biết lấy đâu ra tiền mà đền cho họ...".
Hàng ngàn gốc đào Tết bị chết khô khiến người trồng đào ở Thái Bình tay trắng. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư hàng tỷ đồng cho vụ đào Tết, đền thời điểm thu hoạch thì sảy ra hiện tượng đào chết dẫn tới thua lỗ. Nhiều vườn đào nhận chăm sóc thuê cho các cá nhân và doanh nghiệp hoặc đã được đặt tiền mua trước nay cũng điêu đứng vì phải bồi thường. Nguyên nhân đào Tết chết bất thường vẫn chưa được cơ quan chức năng đưa ra, về phía người trồng đào rất mong được hỗ trợ để kịp chuyển đổi cho vụ đào Tết năm nay./.