Mới đây tại Đại hội Đảng bộ Cục Hải quan Hải Phòng lần thứ II (nhiệm kỳ 2020-2025) Phòng QLRR đã thông tin những kết quả nổi bật liên quan đến công tác quản lý rủi ro tại Cục Hải quan Hải Phòng từ năm 2015 đến nay.
Theo đó Trưởng Phòng QLRR (Cục Hải quan Hải Phòng) Nguyễn Ngọc Khánh cho biết: Thông qua việc triển khai các chuyên đề kiểm soát rủi ro, 5 năm qua đơn vị đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu và gian lận thương mại góp phần tăng thu vào ngân sách 140 tỷ đồng. Đặc biệt, đã bắt giữ lượng lớn hàng cấm gồm: 3,961 tấn ngà voi; 14,321 tấn vảy tê tê; 11,9 tấn gỗ giáng hương...
"Quan trọng hơn đã cơ bản kiểm soát được tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua địa bàn Cục Hải quan Hải Phòng quản lý”- ông Nguyễn Ngọc Khánh nhấn mạnh.
Ngà voi được do Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ tháng 1/2019
Bên cạnh đó, hàng năm, Phòng QLRR (Cục Hải quan Hải Phòng) đã thiết lập các tiêu chí kiểm soát, thường xuyên thanh loại các tiêu chí không còn hiệu quả với số lượng hàng trăm nghìn tiêu chí trên hệ thống và luôn là đơn vị dẫn đầu trong toàn Ngành về số lượng tiêu chí được thiết lập, cũng như tỷ lệ phát hiện vi phạm.
Đáng chú ý, về công tác soi chiếu (bằng máy soi container) được Cục Hải quan Hải Phòng đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, CBCC được đào tạo nâng cao trình độ, có kinh nghiệm trong việc phân tích thông tin và hình ảnh để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra soi chiếu.
Công tác soi chiếu đã trở thành công cụ hữu hiệu trong chống buôn lậu và gian lận thương mại, qua đó đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu hàng cấm như ngà voi, vảy tê tê với các thủ đoạn cất giấu tinh vi.
Cục Hải quan Hải Phòng cũng là đơn vị luôn dẫn đầu toàn Ngành về số lượng container soi chiếu cũng như tỉ lệ phát hiện vi phạm.
Cụ thể, 5 năm gần đây, số lượng soi chiếu đạt 102.295 container; phát hiện 368 vụ vi phạm; số tiền phạt 3,4 tỷ đồng và số thuế tăng 6,7 tỷ đồng.
Mặc dù đạt những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, lãnh đạo Phòng QLRR (Cục Hải quan Hải Phòng) cho rằng, công tác nghiệp vụ quan trọng này còn những hạn chế, bất cập cần khắc phục.
Trong đó, việc sử dụng máy soi container, hiệu suất sử dụng máy soi còn thấp so với công suất; tỉ lệ phát hiện vi phạm chưa cao chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu trong việc ngăn ngừa, cảnh báo, răn đe và phát hiện các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại trước tình hình buôn lậu và gian lận thương mại ngày càng diễn biến phức tạp...
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác QLRR, trong đó có sử dụng may soi container, lãnh đạo Phòng QLRR đề xuất một số giải pháp quan trọng.
Đó là, chủ động rà soát để kịp thời kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan điều chỉnh, sửa đổi những bất cập về pháp luật, chính sách, quy trình, thủ tục có liên quan đến công tác QLRR để việc áp dụng QLRR đi vào thực chất và có hiệu quả ở tất cả các khâu nghiệp vụ.
Các đơn vị tham mưu cần chủ động trong việc nghiên cứu các văn bản, chính sách về thuế, chính sách mặt hàng, các quy trình nghiệp vụ để có các biện pháp kiểm soát phù hợp, hiệu quả, đồng thời có các chỉ dẫn, cảnh báo trên hệ thống để hỗ trợ CBCC ở các khâu nghiệp vụ nhằm hạn chế các sai sót mang tính hệ thống
Chủ động xây dựng các chuyên đề kiểm soát rủi ro theo từng thời kì, từng giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế; nâng cao hiệu quả công tác thiết lập tiêu chí, thường xuyên thanh loại các tiêu chí không còn hiệu quả; tăng cường soi chiếu trước các lô hàng có rủi ro cao.
Đẩy mạnh công tác phối hợp, phân tích thu thập, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong Cục để phục vụ công tác nghiệp vụ của mỗi đơn vị, xây dựng mối quan hệ hiệu quả với các đơn vị trong nội bộ ngành như Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục QLRR, Vụ Pháp chế, các cục hải quan địa phương...
Buôn lậu ngà voi vẫn phức tạp tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam
Liên quan đến vấn đề buôn lậu ngà voi, TRAFFIC mới đây đã công bố báo cáo nghiên cứu cho thấy có hàng ngàn mặt hàng ngà voi bị giao dịch mỗi tháng trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Indonesia, Thái Lan và Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2016 – 2019.
Nghiên cứu ghi nhận 8.508 mặt hàng, từ các mảnh ngà voi đến đồ trang sức và đồ trang trí được rao bán trong 1.559 bài đăng trên Facebook và Instagram tại 3 quốc gia trong vòng từ tháng 6 đến tháng 7 năm 2016.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận tổng cộng 2.361 mặt hàng ngà voi bị rao bán trong 545 bài đăng tại ba quốc gia, theo một đánh giá nhanh chỉ trong vòng 5 ngày tháng 7/2019.
Nghiên cứu kêu gọi tiếp tục chú ý đến Việt Nam trong vai trò một trung tâm thương mại ngà voi vì trong năm cả năm 2016 và 2019, Việt Nam bị phát hiện có tỷ lệ mặt hàng được chào mời và mặt hàng được bán lớn nhất. Nói cách khác, các bài đăng đơn lẻ ở Việt Nam liên quan đến nhiều món hàng hơn so với Thái Lan và Indonesia....
Ngày 22/5, một số lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam đã ký vào bản “Cam kết vì hoang dã”, đồng thời thành lập “Liên minh Doanh nghiệp vì hoang dã” để thể hiện sự ủng hộ, đồng thời kêu gọi giới doanh nghiệp cùng hành động để chấm dứt tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép.
Với thông điệp “Ngừng mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã để tránh một đại dịch kế tiếp”, các doanh nhân mong muốn sẽ cùng nhau hành động. Kêu gọi chính phủ Việt Nam nhanh chóng nghiêm cấm tất cả các hoạt động thương mại, nuôi và và tiêu thụ ĐVHD. Cam kết thay đổi hành vi và đồng ý ký tên vào bảng cam kết không thương mại, nuôi hoặc tiêu thụ ĐVHD.
Hồng Nga